Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch 303/KH-UBND về việc phát triển Thương mại Điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.
Kế hoạch nhằm triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi Thương mại Điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm, hàng hóa làng nghề truyền thống, nông sản, thực phẩm; đẩy nhanh Chuyển đổi Số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Hà Nội.
Cùng đó, đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tích cực thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại. Tuyên truyền, đào tạo kỹ năng Thương mại Điện tử cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng Thương mại Điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Thương mại Điện tử.
Các mục tiêu của Kế hoạch 2024 được cụ thể hóa từ mục tiêu của Kế hoạch 5 năm được phê duyệt gồm 12 nhóm, trong đó có một số mục tiêu chủ yếu về như: Giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại Điện tử (EBI) hằng năm; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 53%...
“Các giao dịch mua hàng trên website ứng dụng Thương mại Điện tử có hóa đơn điện tử đạt 69%; duy trì 100% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã Qrcode truy xuất nguồn gốc; tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt đạt 100%; tỷ lệ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 100%…,” Kế hoạch nêu rõ.
'Kết nối dữ liệu dân cư, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tăng mạnh'
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra 16 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tuyên truyền các chính sách, pháp luật về quản lý và phát triển thương mại điện tử của Trung ương và thành phố đến các tổ chức, cá nhân; tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho các doanh nghiệp, cá nhân trong các lĩnh vực kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng Thương mại Điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, cửa hàng xăng dầu, chợ truyền thống, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và trong mua sắm trực tuyến.
Phát triển Logistics phục vụ hoạt động Thương mại Điện tử; xây dựng và nâng cao năng lực hệ thống kho bãi, địa điểm lưu giữ hàng hóa tập trung, mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng hóa; tổ chức chuỗi cung ứng Thương mại Điện tử cho các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP; phối hợp Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) quản lý theo phân cấp cơ sở dữ liệu tổ chức, cá nhân…
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, đúng quy định pháp luật./.