Để phục vụ công trình mở rộng đường Âu Cơ từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân, thành phố Hà Nội đã cho phá dỡ hơn 362m tranh gốm với tổng diện tích hơn 691m2, nằm trên Con đường gốm sứ ven sông Hồng.
Công trình mở rộng đường Âu Cơ thuộc giai đoạn 2 của Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên nằm trên địa bàn 2 quận Ba Đình và Tây Hồ.
Mục tiêu của dự án nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại khu vực này, thực hiện được việc gia cố vững chắc đê điều, đảm bảo an toàn phòng, chống lũ và tạo được cảnh quan đô thị.
Hiện tại, bức tranh gốm đang được tiến hành phá bỏ, phía bên ngoài được che chắn cẩn thận để đảm bảo an toàn cho người dân.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, theo thiết kế của đường giao thông buộc phải phá dỡ một đoạn bức tranh gốm sứ nhằm phục vụ lợi ích chung toàn xã hội. Nếu sau đó thành phố cũng như đơn vị thi công con đường gốm sứ muốn dựng lại những bức tranh gốm, có thể gắn vào bức tường mới.
Sau khi đo đạc, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy - Giám đốc Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội, người trực tiếp tham gia thiết kế Con đường gốm sứ cho biết, đoạn bị phá dỡ dài hơn 362 mét với tổng diện tích trên 691m2.
Việc phá dỡ đoạn tranh gốm sẽ được báo cáo đến Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới. Đoạn tranh gốm bị phá dỡ thuộc “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới" được Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới công nhận.
[Khởi công cầu vượt tại nút giao An Dương-đường Thanh Niên giai đoạn 2]
Việc phải tháo dỡ một đoạn đường gốm để làm đường giao thông khiến nhiều người dân tiếc nuối, nhất là những người sống gần đó nhưng vì lợi ích chung, mọi người đều chấp nhận và mong muốn được xây dựng lại khi dự án giao thông hoàn thành.
Bà Nguyễn Thị Nga, 65 tuổi, trú tại 24 Âu Cơ, quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết đã ở đây mấy chục năm nên chứng kiến từ lúc Con đường gốm sứ được hình thành đến khi bị phá bỏ để làm đường.
Theo bà, Con đường gốm sứ ven sông rất đẹp nên hơi tiếc khi bức tranh gốm sứ bị phá bỏ. Bà mong muốn bức tranh gốm sứ sẽ được xây dựng lại. Cùng ý kiến trên, bà Trần Thúy Ngà, 64 tuổi, trú tại khu vực đường Âu Cơ chia sẻ sự tiếc nuối khi Con đường gốm sứ bị phá bỏ nhưng để đường giao thông thông thoáng hơn cần hy sinh một phần con đường gốm sứ.
Con đường gốm sứ ven sông Hồng dài gần 4km, đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng; được khởi công xây dựng tháng 10/2017 và khánh thành vào ngày 5/10/2010 với nhiều hình ảnh đẹp do các nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế thực hiện.
Từ khi hoàn thành, Con đường gốm sứ trở thành điểm nhấn thu hút nhiều khách tham quan và trở thành niềm tự hào của người dân Hà Nội./.