Hà Nội: Nhiều khu vực tại các huyện ngoại thành bị ngập sâu, thiệt hại nặng nề

Mực nước trong sông đang ở mức cao, mực nước lũ gây ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp ở một số khu vực có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Lực lượng chức năng giúp người dân Chương Mỹ (Hà Nội) di chuyển đến những nơi an toàn. (Ảnh: TTXVN phát)
Lực lượng chức năng giúp người dân Chương Mỹ (Hà Nội) di chuyển đến những nơi an toàn. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 11/9, theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ lượng mưa tại các điểm đo phổ biến từ 7,5-27,3mm, cao nhất tại trạm Khí tượng Sơn Tây 27,3mm.

Một số hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng đang vận hành xả lũ như: hồ Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả mặt, hồ Tuyên Quang mở 6 cửa xả đáy, mực nước sông Hồng đang trên mức báo động 2 và có xu hướng tăng.

Cụ thể, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội là 10,76m (trên báo động 2 là 0,26m). Mực nước trên sông Đuống tại Thượng Cát là 10,11m (trên báo động 2 là 0,11m).

Mực nước trong sông đang ở mức cao, mực nước lũ gây ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp ở một số khu vực thuộc các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Hoài Đức, Phú Xuyên... có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Điển hình như tại huyện Chương Mỹ, mực nước sông Bùi đang trên báo động 3, mực nước lũ đã tràn đê Bùi 2 và đê hữu Bùi tại vị trí có cao trình thấp khoảng từ 10-40cm.

Các khu dân cư trong vùng đê bao bảo vệ bị ngập úng khi nước tràn qua đê và dâng cao như xã: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ.

Các khu dân cư ở bãi dọc sông Bùi bị ngập khi nước đang dâng cao. Hiện, chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng đang khẩn trương phòng, chống lũ, ngập để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

ttxvn_1109_chuong my (3).jpg
Nước sông Bùi dâng cao tràn vào xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Tại huyện Quốc Oai, cầu Tân Phú, cầu Đại Thành ngập sâu 0,4m, đường tỉnh lộ 421B (đoạn từ thôn Cấn Thượng đi Đông Yên) ngập sâu 0,5m.

Tại cầu 72 II thuộc địa phận xã Cộng Hòa ngập sâu 0,9m. Hiện, lực lượng chức năng đang phân công lực lượng trực, chặn pano khu vực nguy hiểm, phân luồng giao thông, hướng dẫn nhân dân di chuyển cung đường an toàn.

Hiện 5 xã: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Đông Yên đều có khu vực bị ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.

Tại huyện Thạch Thất, nhiều khu vực ở các xã: Cần Kiệm, Lại Thượng, Kim Quan, Phú Kim, Liên Quan bị ngập sâu trong nước, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân.

Đặc biệt, xuất hiện sự cố bị tràn bờ tại một số điểm như đoạn đê bao Cần Kiệm đi Hạ Bằng (chiều dài 200m); đoạn Trường Trung học Cơ sở Cần Kiệm đi Cửa Đình Phú Đa (chiều dài 200m); đoạn trước cửa Đình Yên Lạc xã Cần Kiệm (chiều dài 50m); đoạn Gò Sui-Bồ Nành (xã Đồng Trúc, chiều dài 200m).

Hai cống qua đường H14 đầu thôn Khoang Mè xã Hạ Bằng bị sự cố thủng.

Tại huyện Ba Vì, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn huyện mực nước trên Sông Tích và các kênh tiêu, trục tiêu chính đều ở mức rất cao, nhất là với hệ thống kênh tiêu Cổ Đô-Vạn Thắng cơ bản mực nước bằng hoặc cao hơn bờ kênh tiêu, có đoạn kênh bị ngập, tràn bờ từ 15-35cm (Vật Lại, Cô Đô, Đồng Thái...).

Do vậy, việc thực hiện các giải pháp (đắp đất, bao tải đất...) để ngăn nước không hiệu quả.

ttxvn_1109_ba vi.jpg
Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, và đại diện các cơ quan chức năng kiểm tra điểm kè xã Châu Sơn, huyện Ba Vì. (Ảnh: TTXVN phát)

Hiện nay, Xí nghiệp thủy lợi Ba Vì đang vận hành các trạm bơm tiêu 6 máy/6 trạm trên hệ thống kênh tiêu Cổ Đô-Vạn Thắng để tiêu úng, tuy nhiên không thực sự phát huy được tác dụng do nước tràn bờ chảy ngược vào trong đồng.

Tại huyện Hoài Đức xuất hiện một số điểm bị ngập úng cục bộ như Khu đô thị Geleximco, hầm chui qua cầu An Khánh, đường 32 đoạn qua thôn Lai xá, xã Kim Chung... ngập khoảng 30-50cm.

Ngoài ra, bờ phải kênh chính Đan Hoài tại vị trí K8+705 địa bàn xã Minh Khai bị sụt, nghiêng đổ dẫn đến sụt lún, nứt dọc vỉa hè với chiều dài khoảng 50m.

Ủy ban Nhân dân xã Minh Khai đã tiến hành căng dây, dựng rào chắn, cảnh báo.

Kênh T2-9 đoạn qua xã Kim Chung bị vỡ khoảng 10m nhưng đã kịp thời gia cố bằng cọc tre và tải cát.

Tương tự, tại huyện Phú Xuyên, xuất hiện sạt lở kênh A28 qua địa bàn xã Chuyên Mỹ dài 30m, tràn bờ kênh xã Phú Túc 10m.

Nước cũng tràn bờ kênh sông Lương qua địa bàn xã Phúc Tiến dài 50m; sạt bờ kênh Bìm qua địa bàn xã Hồng Thái 146m; sạt nứt mặt bờ đê sông Nhuệ qua địa bàn xã Vân Từ (20m), Tri Trung (30m), Phượng Dực (50m), Hồng Minh (180m)...

Hiện, mực nước sông Tích, sông Bùi, sông Hồng đang ở mức cao, ảnh hưởng hầu hết các huyện ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là tình trạng ngập úng tại các khu dân cư.

Do đó, cùng với các lực lượng của Trung ương, thành phố, cả hệ thống chính trị các quận, huyện, thị xã và người dân đang dồn sức phòng, chống lũ, ngập; trong đó, tập trung rà soát kỹ các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập úng khu dân cư nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân ở mức cao nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục