Hà Nội: Nhiều khó khăn trong quỹ nhà tái định cư

Năm nay, Hà Nội cần 6.500 căn hộ tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình hạ tầng đô thị trên địa bàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, quỹ nhà tái định cư của thành phố mới chỉ hoàn thành gần 1.300 căn hộ, số căn hộ dự kiến xây dựng và hoàn thành trong năm nay là hơn 2.000 căn. Như vậy, so với nhu cầu của các dự án xây dựng công trình giao thông, hạ tầng cơ sở (chưa kể các công trình trọng điểm quốc gia và đường vành đai 3), số căn hộ này chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Thực tế đó, đã và đang gây nhiều khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án và việc ổn định đời sống của người dân trong diện phải thu hồi đất.
Năm nay, thành phố Hà Nội cần 6.500 căn hộ tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình hạ tầng đô thị trên địa bàn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, quỹ nhà tái định cư của thành phố mới chỉ hoàn thành gần 1.300 căn hộ, số căn hộ dự kiến xây dựng và hoàn thành trong năm nay là hơn 2.000 căn.

Như vậy, so với nhu cầu của các dự án xây dựng công trình giao thông, hạ tầng cơ sở (chưa kể các công trình trọng điểm quốc gia và đường vành đai 3), số căn hộ này chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Trong khi đó, dự tính tổng số vốn để xây dựng nhà tái định cư của Hà Nội là hơn 46.000 tỷ đồng. Những thực tế này, đã và đang gây nhiều khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án và việc ổn định đời sống của người dân trong diện phải thu hồi đất; ảnh hưởng không nhỏ đến việc tốc độ phát triển hạ tầng của Thủ đô.

Hầu hết các dự án tái định cư chậm tiến độ

Theo thống kê của Sở Xây dựng, thành phố hiện đang triển khai 52 dự án xây dựng nhà ở tái định cư với khoảng 14.102 căn hộ. Giai đoạn 2013-2015, dự kiến hoàn thành 12.097 căn hộ. Ngoài ra, thành phố cũng đã đặt hàng mua nhà tái định cư tại 13 dự án với tổng số 3.189 căn hộ và theo dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành 606 căn hộ, giai đoạn 2013-2015 hoàn thành 2.583 căn hộ. Tuy nhiên, thực tế có nhiều dự án theo kế hoạch phải bàn giao nhà cho thành phố từ những năm 2006-2007 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Có thể khẳng định, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu quỹ nhà tái định cư tại Hà Nội là do một số chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ đã cam kết. Việc chậm tiến độ đã dẫn tới quỹ nhà tái định cư không kịp hoàn thiện để bố trí tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng theo kế hoạch. Đơn cử như dự án khu nhà ở di dân giải phóng mặt tại Hoàng Cầu, Đống Đa; dự án X1, X2 phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân... Việc chậm triển khai các dự án cũng dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần tổng mức đầu tư, nhiều phát sinh phức tạp do giá cả nguyên vật liệu liên tục tăng.

Màt khác, đối với quỹ đất 20% tại các khu đô thị được quy định dành để xây dựng nhà ở tái định cư, các chủ đầu tư hầu hết đều giải phóng mặt chậm, dẫn đến chậm bàn giao cho thành phố để tiến hành xây nhà ở tái định cư. Một số dự án được thành phố phê duyệt đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư thì sau đó lại được chuyển sang mục đích khác cũng làm giảm đáng kể quỹ nhà ở loại này.

Lý giải nguyên nhân bàn giao nhà quá chậm, các đơn vị chủ đầu tư hầu hết đều lấy lý do chậm thanh toán vốn nên thời gian hoàn thiện và bàn giao nhà bị kéo dài. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện bàn giao nhà cho thành phố, như Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông với dự án xây dựng 133 căn hộ tại nhà 11 tầng lô NOTC tại thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm; dự án nhà chung cư cao tầng CT1 Khu đô thị Cầu Diễn mở rộng dù đã được thành phố đặt hàng nhưng đến nay Công ty Xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới vẫn chưa triển khai.

Ngoài ra, 29 dự án xây dựng nhà ở tái định cư với 7.447 căn hộ theo cơ chế cho vay ủy thác qua Quỹ Đầu tư Thành phố và 10 dự án với 3.466 căn hộ theo cơ chế cấp phát được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cấp đều chậm tiến độ.

Theo Sở Xây dựng, ngay cả các dự án xây dựng nhà tái định cư do Ủy ban Nhân dân các quận, huyện làm chủ đầu tư tiến độ cũng đang rất chậm, mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn. Tại quận Cầu Giấy, dự án N07 khu 5,3ha Dịch Vọng triển khai từ năm 2001 đến nay vẫn còn dở dang (đơn vị thi công đã xây thô đến tầng thứ 13 từ năm 2006, sau đó dừng lại không thực hiện tiếp). Hiện Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy đã có văn bản trình thành phố và các cơ quan chức năng cho phép chấm dứt hợp đồng, thay thế đơn vị thi công; 3 dự án khác tại quận này cũng đang ách tắc vì vấn đề vốn.

Cần thực hiện nhiều giải pháp tái định cư

Trước thực trạng khó khăn trên, nhiều quận, huyện, sở, ngành nhận định: các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ nghiêm trọng do thiếu quỹ nhà tái định cư để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Bởi theo tổng hợp của Sở Xây dựng, một số dự án lớn đến nay vẫn chưa cân đối được quỹ nhà tái định cư, gồm dự án đường Vành đai II đoạn cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Vọng (cần khoảng 3.500 căn hộ); dự án đường Vành đai I đoạn Ô Đông Mác-đê Nguyễn Khoái (còn thiếu khoảng 500 căn hộ); dự án đường Nguyễn Hoàng Tôn-quận Tây Hồ (cần khoảng 900 căn hộ); dự án đường Tam Trinh-Lĩnh Nam (cần khoảng 900 căn hộ)…

Với nhu cầu căn hộ lớn và cần sử dụng ngay như vậy, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn kiến nghị thành phố cần thực thiện nhiều giải pháp tái định cư nhằm đáp ứng đủ nhu cầu, như tái định cư và tạm cư bằng tiền; mua quỹ nhà kinh doanh tại các khu đô thị mới; mua quỹ nhà của các nhà đầu tư dự án BT đã có hoặc giao nhà đầu tư dự án BT ứng vốn xây dựng nhà tái định cư…

Trước mắt, để đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng nhà tái định cư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu rà soát xem đơn vị nào mạnh để điều tiết dự án, cân đối năng lực, nếu cần thiết thì thay chủ đầu tư. Cùng với việc kiểm tra, đôn đốc, các ngành cần tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm tổng hợp các nguồn vốn đầu tư, mở rộng phương thức xã hội hóa trong việc tạo lập quỹ nhà tái định cư.

Theo ông Khôi có hai phương án giải quyết, một là, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhận dự án xây dựng nhà tái định cư bằng vốn ứng trước, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; các ngành khẩn trương xây dựng cơ chế chung hoặc cơ chế riêng cho từng dự án. Hai là, Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp đề xuất khung cơ chế để mua nhà tái định cư của các chủ dự án thương mại và nguyên tắc tính giá, trong đó tính đến việc khấu trừ tỷ lệ tiền sử dụng đất, đầu tư hạ tầng…

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cũng lưu ý các sở ngành, nếu không chủ động, không chỉ các dự án của thành phố mà ngay cả các dự án trọng điểm của quốc gia trên địa bàn Thủ đô cũng sẽ bị ảnh hưởng đến tiến độ./.

Minh Nghĩa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục