Hiện nay, nhiều hộ dân ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đang phát triển cây đặc sản rau sắng - một loài rau rừng nhiều dinh dưỡng, ngon ngọt và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cây rau sắng còn được coi là một tài sản quý giá của chùa Hương và ngành du lịch Hà Nội. Mùa rau sắng bắt đầu từ tháng Hai đến hết tháng Ba âm lịch (mùa lễ Hội Chùa Hương), rau có giá bán khoảng từ 300.000 đến 400.000 đồng/kg, thậm chí có khi lên đến 1 triệu đồng/kg.
Rau sắng là loài rau khá đặc biệt, từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch đầu tiên phải mất từ 3-5 năm và sau 10 năm mới được thu hoạch với số lượng lớn. Rau sắng thường mọc trong rừng sâu, trên những vách núi cao và cây mọc trên vách núi cao thì tuổi đời cây càng cao chất lượng rau càng ngon ngọt lạ thường.
Đặc biệt, khác với phần lớn các loại cây rau khác, rau sắng có loại cây cái và cây đực. Cây cái dân gian gọi là cây sắng nếp mới có thể cho quả và hạt. Hiện khu vực chùa Hương chỉ còn lại hai cây sắng nếp nhiều năm tuổi quý hiếm và tính cả cây sắng đực cổ thụ thì trong rừng cũng chỉ còn lác đác vài cây, nếu không có biện pháp bảo tồn thì khó có thể giữ được giống cây quý hiếm này.
Để khôi phục và phát triển cây rau sắng, năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã phê duyệt dự án "Khôi phục, cải tạo và phát triển một số cây đặc sản quý hiếm, đặc hữu tại rừng đặc dụng Hương Sơn" trong đó có cây rau sắng, được triển khai trong ba năm.
Dự án sẽ hỗ trợ người dân vốn, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, giống cây trồng, vật nuôi... tạo thuận lợi cho người dân tham gia. Dự án được triển khai với 250ha, trong đó rau sắng trồng mới 170ha, cải tạo 30ha sẵn có; cây mơ 45ha; củ mài 5ha.
Tuy nhiên, do nguồn ngân sách khó khăn, tháng 6/2013 dự án khôi phục, cải tạo và phát triển một số cây đặc sản quý hiếm, đặc hữu tại rừng đặc dụng Hương Sơn nằm trong số các dự án phải giãn tiến độ thực hiện.
Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn Nguyễn Duy Giáp cho biết, những năm qua, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn đã hỗ trợ nông dân trong xã nhân rộng mô hình sản xuất rau sắng.
Theo tính toán của các chuyên gia, thực hiện dự án sẽ đem lại cho người dân xã Hương Sơn trung bình mỗi năm gần 11 tỷ đồng từ việc phát triển loài cây quý hiếm này./.