Hà Nội: Nhân rộng điểm bán lưu động giúp người dân mua sắm thuận tiện

Nhiều doanh nghiệp bán hàng lưu động bằng xe ôtô, xe bus triển khai bán hàng ở các khu nhà trọ, khu đông dân cư để hạn chế công nhân không phải đi chợ, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.
Cùng với hệ thống chợ và siêu thị, nhiều doanh nghiệp thiết lập điểm bán lưu động giúp đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân. (Ảnh: TTXVN)

Để phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân mua sắm thuận tiện, an toàn.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã triển khai bán hàng lưu động bằng ôtô và xe bus để phục vụ người lao động ở các khu trọ, gần khu công nghiệp... để duy trì nguồn cung hàng hóa, giảm áp lực cho các chợ, siêu thị; góp phần thực hiện hiệu quả các biện pháp giãn cách xã hội.

Tăng dự trữ hàng thiết yếu

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trong đợt giãn cách xã hội, thành phố đã chủ chỉ đạo các hệ thống phân phối dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng.

[Cung ứng hàng hóa ổn định trong những ngày giãn cách xã hội]

Khi nguồn cung hàng hóa qua các chợ đầu mối về chợ dân sinh bị giảm khoảng 10%-15% do phải đóng cửa, Hà Nội đã chỉ đạo các hệ thống phân phối hiện đại tiếp tục tăng lượng dự trữ cao hơn từ 1,5- 2 lần so với lượng hàng đang dự trữ; chủ động đưa hàng về các kho trong thành phố.

Ngoài ra, một số cơ sở chế biến trên địa bàn tiếp tục tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối… Do đó, hàng hóa thường xuyên dồi dào đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong mọi tình huống, giá cả ổn định

Đến nay, đã có 11 quận, huyện tổ chức 5 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ nhân dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Một số quận đã lập nhóm Zalo giữa người dân trên địa bàn với các đơn vị phân phối để thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa thuận tiện, hạn chế đi lại.

Khi có các khu vực bị cách ly, phong tỏa, các quận, huyện, thị xã đều xây dựng phương án cụ thể về cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân, bố trí các lực lượng phối hợp với đơn vị phân phối trên địa bàn để phục vụ cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất.

Giám đốc Siêu thị AEON Long Biên Đàm Mạnh Tuấn cho hay từ ngày 2/8, AEON Việt Nam triển khai bán hàng lưu động bán tại 4 điểm trên địa bàn quận Long Biên cùng một số điểm tại quận Thanh Xuân.

Doanh nghiệp đã làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo về nguồn hàng và hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa được liên tục, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân hai quận trên.

“Siêu thị AEON Long Biên cam kết giá bán của các sản phẩm tại điểm bán hàng lưu động luôn bằng giá bán tại siêu thị và sẽ được niêm yết cụ thể để người dân có thể dễ dàng tham khảo và an tâm mua sắm,” ông Đàm Mạnh Tuấn thông tin.

Thuận tiện, đảm bảo phòng chống dịch

Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 103 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 449 chợ có kinh doanh thực phẩm, 1.800 cửa hàng tiện lợi, 141 chuỗi, trên 20.000 cửa hàng hóa, 8.355 điểm bán hàng bình ổn giá (tăng gấp 7 lần so với mỗi khi triển khai Chương trình bình ổn thị trường).

Hà Nội cũng sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.

Một điểm bán hàng lưu động của siêu thị AEON. (Ảnh: TTXVN)

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết để đảm bảo cung ứng hàng hóa, ngoài các chợ và siêu thị, nhiều doanh nghiệp bán hàng lưu động bằng xe ôtô, xe bus triển khai bán hàng ở các khu nhà trọ, khu đông dân cư để hạn chế công nhân không phải đi chợ, tiềm ẩn nguy cơ lây dịch bệnh.

Ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Vinmart, Co.op, Big C, Circle K…, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Bưu điện Hà Nội để mở 472 điểm bán hàng thiết yếu.  

Cùng với đó, Sở Công Thương đã tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố bảo đảm nguồn cung theo 2 hướng: Tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; duy trì liên doanh, liên kết, kết nối hàng hóa từ các tỉnh, đặc biệt là từ 21 tỉnh phía Bắc và 800 chuỗi đang thực hiện cung ứng hàng hóa cho Hà Nội.

Tại cấp phường, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng), cho biết phường phối hợp Siêu thị Vinmart 191 Bà Triệu khai trương điểm bán hàng lưu động tại trường mầm non Vân Hồ (số 66 Vân Hồ 3).

Mục đích của việc này là đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn phường thời gian giãn cách xã hội; cung cấp phong phú lương thực thực phẩm và một số nhu yếu phẩm thiết yếu (rau củ, quả, thịt, cá, mỳ tôm, dầu ăn, nước mắm, bánh mỳ, giấy ăn…), phục vụ hằng ngày từ 7h-18h.

Đại diện Sở Công Thương cho hay, những cách làm này đã giúp lưu thông hàng hóa ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân, hạn chế tình trạng giá tăng đột biến gây bất ổn thị trường, trong giai đoạn giãn cách xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục