70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hà Nội - nguồn cảm hứng bất tận của điện ảnh nước nhà

Thông qua các tác phẩm điện ảnh, vẻ đẹp và văn hóa Hà Nội, nơi kết tinh của các giá trị truyền thống và hiện đại càng được quảng bá rộng rãi, thu hút khán giả trong nước và quốc tế.
Một cảnh trong phim "Đào, phở và piano." (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

Hà Nội - mảnh đất nghìn năm văn hiến, luôn là đề tài và là nguồn cảm hứng bất tận cho văn học nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh nước nhà. Bằng ngôn ngữ riêng, với nhiều góc nhìn, điện ảnh đã góp phần lưu giữ nét đẹp của đất và người Hà Nội, làm sinh động "bức tranh" về Thủ đô văn hiến, anh hùng.

Những thước phim về Hà Nội và người Hà Nội sống mãi trong lòng công chúng từ thuở khói lửa đạn bom, đến thời hòa bình xây dựng đời sống mới và cho đến hôm nay. Với các nghệ sỹ, làm phim về Hà Nội là vinh dự, là cơ duyên và cả sự tri ân.

Hà Nội - một trong những cái nôi nuôi dưỡng nền điện ảnh Cách mạng

Điện ảnh Hà Nội có một bề dày truyền thống lâu năm rất đáng tự hào, gắn liền với sự hình thành và phát triển của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Ngay từ khi còn nằm trong Ban Nhiếp ảnh, rồi Chi hội Nhiếp ảnh-Điện ảnh của Hội Văn nghệ Hà Nội, điện ảnh Hà Nội đã tham gia vào các sự kiện lớn của Hà Nội thời kháng chiến cũng như xây dựng kinh tế-văn hóa-xã hội trong thời bình.

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến rất nhiều bộ phim tài liệu đã tạo những xúc cảm mạnh mẽ trong sâu thẳm trái tim người Hà Nội, động viên tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân, dân Thủ đô cũng như đồng bào cả nước, trở thành những mẫu mực trong cách làm phim, như "Hà Nội bản hùng ca," "Hà Nội năm ngày đọ sức," "Hà Nội niềm tin", "Phố Khâm Thiên", "Những ngày đêm không thể nào quên", "Vĩnh biệt khách không mời"

Nếu như phim tài liệu là nhân chứng sống thì bằng thủ pháp điện ảnh, khung cảnh và con người Hà Nội hiện lên trong các bộ phim truyện với nhiều sắc màu: linh thiêng và hào hoa, cổ kính, lãng mạn và cả những điều bình dị.

Lịch sử Hà Nội-Đông Đô-Thăng Long hơn 1.000 năm với nhiều thăng trầm đã đi vào những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng. Nhiều bộ phim về Hà Nội đã trở thành những tác phẩm điện ảnh kinh điển như: “Sao tháng Tám” (đạo diễn Nghệ sỹ Nhân dân Trần Đắc), “Em bé Hà Nội” (đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Hải Ninh, 1974), “Hà Nội mùa đông năm 46” (đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh, 1997), “Hà Nội 12 ngày đêm” (đạo diễn Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc, 2002), “Hà Nội mùa chim làm tổ” (đạo diễn nghệ sỹ ưu tú Đức Hoàn), “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế” của Nghệ sỹ Nhân dân Trần Văn Thủy…

Qua những tác phẩm đó, hình ảnh người Hà Nội đã được xây dựng với nhiều chiều, từ những người lính can trường đến những con người bình dị với tình yêu quê hương sâu sắc; góp phần khắc họa bức chân dung đa diện về người Hà Nội - những con người vừa anh hùng, lãng mạn, vừa yêu chuộng hòa bình.

Gần 50 năm kể từ lúc ra mắt (1976), bộ phim “Sao tháng Tám” của cố đạo diễn - Nghệ sỹ Nhân dân Trần Đắc vẫn giữ kỷ lục là bộ phim duy nhất đến thời điểm hiện tại tái hiện không khí sục sôi của người dân Việt Nam trong cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám (1945), để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng nhiều thế hệ khán giả.

Bối cảnh của phim tuy chỉ diễn ra ở khu vực nội và ngoại thành Hà Nội nhưng mang cái nhìn tổng thể về một giai đoạn bi tráng trong lịch sử cách mạng giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Ngay khi ra rạp năm 1976, “Sao tháng Tám” đã trở thành hiện tượng, liên tục "cháy vé" ở tất cả các rạp chiếu, xuất sắc đạt Giải Bông Sen Vàng Liên hoan Phim Việt Nam lần IV năm 1977.

Sự đan cài khéo léo các tuyến nhân vật, các chi tiết hoàn chỉnh, sự chuyển động của các tuyến truyện nhuần nhuyễn, có cao trào, đã đưa “Sao Tháng Tám” lên tầm kinh điển, đến nay vẫn rất hấp dẫn.

"Em bé Hà Nội" của cố đạo diễn Hải Ninh - được xếp vào hàng kinh điển của nền điện ảnh Việt. Bộ phim được bấm máy mùa hè năm 1973 và hoàn thành vào cuối năm 1974.

Phim xoay quanh câu chuyện của em bé Ngọc Hà, sau một trận ném bom ác liệt mùa đông năm 1972, Ngọc Hà thất lạc gia đình, cô bé đi tìm bố mẹ, em gái giữa khung cảnh đổ nát của Hà Nội.

Cho đến nay, đôi mắt, tiếng gọi của em bé Ngọc Hà (do Nghệ sỹ Nhân dân Lan Hương đóng) khi đi tìm bố là bộ đội tên lửa và mẹ là công nhân xếp chữ nhà in vẫn còn đọng trong tâm trí người xem.

“Em bé Hà Nội” được đánh giá là bộ phim tái hiện thành công nhất, xúc động nhất hình ảnh thủ đô Hà Nội sau cuộc chiến 12 ngày đêm lịch sử. Bộ phim cũng cho thấy một Hà Nội với những con người nồng hậu, đoàn kết yêu thương trong những thời khắc khó khăn nhất.

Phim đã nhận được hàng loạt giải thưởng cao quý như Bông Sen Vàng cho "Phim hay nhất" tại Liên hoan phim Việt Nam lần ba năm 1975, giải đặc biệt của ban giám khảo liên hoan phim quốc tế Moskva năm 1975.

30 năm sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (năm 2002), đạo diễn Bùi Đình Hạc đã tái hiện sống động một phần của trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 với bộ phim sử thi hoành tráng "Hà Nội 12 ngày đêm."

Với những hình ảnh chân thực và sống động, bộ phim đã khắc họa rõ nét sự anh hùng của người Hà Nội, những con người không quản ngại gian khổ, hy sinh, chiến đấu đến cùng để bảo vệ Thủ đô.

Đây là bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam được đầu tư lớn với những cảnh quay sử dụng kỹ xảo vi tính, âm thanh vòm lập thể, bối cảnh phim được mở rộng lên bầu trời đặc tả sự khốc liệt, cam go và dữ dội của cuộc chiến đấu đối địch bằng không quân.

Trong các năm từ 2002-2005, "Hà Nội 12 ngày đêm" là đại diện Việt Nam tham gia hàng loạt liên hoan phim quốc tế lớn như Locarno (Thụy Sỹ), Fokuoka (Nhật Bản) và ở Cairo (Ai Cập), Vesoul (Pháp), Fajr (Iran).

Còn đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh lại gửi sự trân quý Hà Nội qua nhiều bộ phim chạm đến trái tim khán giả với nhiều góc nhìn, khía cạnh.

Có thể kể đến những bộ phim: “Hà Nội mùa đông năm 46" (năm 1996) khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng quân dân Thủ đô trong thời khắc lịch sử "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh"; phim "Mùa ổi" (năm 2000) với những con người thuần khiết, thiện lương; phim "Đừng đốt" (năm 2009) kể về liệt sỹ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, người con gái Hà Nội dịu dàng, kiên cường, dũng cảm.

Và mới đây nhất là “Hoa nhài” (năm 2022) - một bộ phim giản dị về những con người mộc mạc với trái tim nóng và tâm hồn đẹp, ngát hương, rất Hà Nội.

Mỗi tác phẩm về Hà Nội là một dấu mốc thành công của đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh. Có thể kể tới như: “Hà Nội mùa đông năm 46” được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Toronto (năm 1997) và Liên hoan phim quốc tế Singapore (năm 1998); “Mùa ổi” đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam (2001), Giải của Ban Giám khảo trẻ và Giải Donkihote của Hiệp hội các Câu lạc bộ điện ảnh thế giới tại Liên hoan phim Locarno (Thụy Sĩ, 2000), Giải đặc biệt của Hiệp hội phê bình phim quốc tế tại Liên hoan phim Oslo (Na Uy, 2001), Bằng khen đặc biệt tại Liên hoan phim Namur (Bỉ, 2000), Giải NETPAC tại Liên hoan phim Rotterdam (Hà Lan); “Đừng đốt” giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế, như: Liên hoan phim Việt Nam, Giải Cánh diều, giải thưởng do khán giả bình chọn tại Liên hoan phim quốc tế Fukuoka (2009)...

Viết tiếp bản hùng ca về đất và người Hà Nội trên màn ảnh

Với các nghệ sỹ, làm phim về Hà Nội là vinh dự, là cơ duyên và cả sự tri ân. Tiếp nối những tác phẩm thành công của thế hệ đi trước, tình yêu Hà Nội đã và đang được những người làm điện ảnh hôm nay tiếp nối.

Hiện tượng phòng vé “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn vào dịp đầu năm 2024 đã cho thấy sự quan tâm không nhỏ của các khán giả trẻ đối với dòng phim về đề tài lịch sử cách mạng Việt Nam.

Đây là bộ phim khác biệt với nhiều tác phẩm điện ảnh về chiến tranh trước đây, bi hùng mà nhân văn, lãng mạn và ngọt ngào. Thông qua câu chuyện xảy ra trên chiến lũy tại một khu phố cổ của Hà Nội những đầu năm 1947, “Đào, phở và piano” khắc họa những khoảnh khắc dữ dội và hào hùng nhất trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô, nổi lên trên đó là cốt cách, phẩm chất của người Hà Nội: lãng mạn, hào hoa, sống hết mình, ngay cả trong khói lửa chiến tranh.

“Đào, phở và piano” từng đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23 và Cánh diều Bạc tại giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2023. Đặc biệt, bộ phim đã được chọn đại diện Việt Nam dự vòng sơ tuyển của giải Oscar lần thứ 97 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), “Đào, Phở và Piano” được chọn chiếu miễn phí tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Hà Nội, từ ngày 6 đến 10/10/2024 và lại gây ra "cơn sốt" khi vé tất cả các buổi chiếu được phát hết chỉ trong đầu giờ sáng 4/10/2024.

“Đào, phở và piano" cũng sẽ được phát sóng lúc 20h ngày 9/10 trên kênh H1; 11h và 21h ngày 10/10 trên kênh H2, của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; 21h20 ngày 13/10 trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

Những thước phim về Hà Nội hào hùng được phát trên sóng truyền hình sẽ tiếp tục là cầu nối gắn kết quá khứ-hiện tại và tương lai, gắn kết các thế hệ người Việt Nam, khơi gợi ký ức đẹp đẽ đầy tự hào về lịch sử của “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình.”

Cảnh trong phim "Mật lệnh hoa sữa."

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, hai bộ phim đặc biệt về Hà Nội cũng đã được sản xuất, đó là phim truyền hình “Mật lệnh hoa sữa” khai thác hình ảnh các chiến sỹ Công an Thủ đô và “Hà Nội trong mắt em” là góc nhìn về Hà Nội của những người trẻ.

“Mật lệnh hoa sữa” là bộ phim nằm trong dự án phim truyền hình dài tập “Vì tình yêu Hà Nội”. Với cốt truyện gay cấn cùng diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên, đồng thời mang tới những tình tiết bất ngờ, “Mật lệnh hoa sữa” nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả, không chỉ ở Thủ đô.

Ngay từ khi lên sóng tập đầu tiên, “Mật lệnh hoa sữa” đã gây chú ý trên các nền tảng mạng xã hội của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

Cụ thể, tập 1 của bộ phim đã có tới 685.000 lượt xem chỉ sau hai tuần. Đây là con số khá ấn tượng với bộ phim truyền hình về đề tài hình sự.

Bộ phim dài 40 tập, do đạo diễn Nguyễn Tất Kiên dàn dựng, khai thác câu chuyện về quá trình chiến đấu không mệt mỏi với nhiều hy sinh thầm lặng khuất sau những chiến công hiển hách của những chiến sĩ công an ngày đêm bảo vệ sự bình yên của Thủ đô.

Khác với "Mật lệnh hoa sữa" tập trung vào những chuyên án căng thẳng, kịch tính, “Hà Nội trong mắt em” là câu chuyện về những người trẻ có tình yêu nồng nàn với Thủ đô, là những lát cắt nhỏ nhất xung quanh cuộc sống hàng ngày.

“Hà Nội trong mắt em” là câu chuyện phim rất đời, đẹp và sâu lắng về năm cô gái đại diện cho năm tính cách và năm vẻ đẹp, nhưng cùng chung một tình yêu với Hà Nội. Mỗi người một số phận nhưng vô tình cuốn vào nhau, tạo nên những mối quan hệ đan xen.

Từ đó nảy sinh nhiều tình huống bất ngờ, phức tạp, vừa hài hước, tinh tế vừa lãng mạn, sâu sắc. Qua đó, một Hà Nội hiện ra thật tươi mới và nhiều màu sắc.

Phim tận dụng tối đa những cảnh đẹp nổi tiếng của Hà Nội như cầu Long Biên, hồ Hoàn Kiếm... để tạo nên những thước phim lãng mạn và đầy cảm xúc. Xem phim, khán giả sẽ được trải nghiệm một Hà Nội vừa cổ kính, vừa hiện đại qua góc nhìn điện ảnh.

Bên cạnh đó, nhằm tạo động lực sáng tác những tác phẩm về Hà Nội, lần đầu tiên Liên hoan phim ngắn về Hà Nội - Giải Sao khuê được tổ chức vào tháng 8/2024.

Liên hoan thu hút 32 bộ phim ở cả ba loại hình là phim truyện, phim tài liệu và phim hoạt hình, đến từ những đơn vị sản xuất lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội tham dự.

Liên hoan được kỳ vọng trở thành điểm hẹn văn hóa cho người yêu điện ảnh thủ đô, góp phần gìn giữ và phát triển các giá trị của vùng đất giàu bản sắc lịch sử.

Có thể thấy, Hà Nội cổ kính, bình dị, trầm mặc nhưng vẫn kiên cường, bất khuất trong các thước phim tài liệu, phim truyện của những năm 1960, 1970, hay một Hà Nội văn minh, thanh lịch, ngày càng phát triển trong những tác phẩm điện ảnh thời kỳ đổi mới và hội nhập từ những năm 1980 đến nay, luôn mang tới cho khán giả những góc nhìn đầy đủ nhất, đủ chiều sâu nhất về mảnh đất này.

Và cũng thông qua các tác phẩm điện ảnh, vẻ đẹp và văn hóa Hà Nội, nơi kết tinh của các giá trị truyền thống và hiện đại càng được quảng bá rộng rãi, thu hút khán giả trong nước và quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục