Hà Nội: Người giáo viên nỗ lực gìn giữ nét đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống

Hoạt động giúp trẻ mầm non trải nghiệm làm tranh dân gian Hàng Trống của cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (Trường Mầm non Quang Trung, Hà Nội) giành giải Nhất cuộc thi Giáo viên dạy giỏi thành phố.
Nói về ý tưởng của mình, cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc cho biết, cảm nhận được sự lãng quên của xã hội hiện đại với một dòng tranh dân gian, cô tự cảm thấy mình cần phải làm gì đó để gìn giữ, bảo tồn dòng tranh quý. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Với mong muốn cho trẻ mầm non được tiếp cận và hình thành những cảm xúc ban đầu, giúp trẻ cảm nhận được cái đẹp của dòng tranh dân gian Hàng Trống, cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (Trường Mầm non Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trăn trở, mày mò, bằng nhiều cách làm phù hợp. Sáng tạo, tâm huyết của cô đã khiến học sinh thích thú, phụ huynh ủng hộ.

Các hoạt động trải nghiệm in tranh, tô tranh cũng giúp trẻ có được sự khéo léo, sáng tạo, phát huy trí tưởng tượng phong phú và hình thành cảm xúc yêu thích dòng tranh dân gian.

Theo bà Lương Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Trung, tiết học làm tranh dân gian Hàng Trống của cô Ngọc luôn được học sinh mong chờ, háo hức tham gia. Những công việc lăn màu, tô màu đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ nên nhà trường chỉ đưa vào dạy ở lớp mẫu giáo lớn để các con có thể cảm nhận được hết cái đẹp của dòng tranh này.

"Từ vài năm trước, khi cô Ngọc trình bày ý tưởng để học sinh làm quen với dòng tranh dân gian Hàng Trống, Ban Giám hiệu nhà trường đều ủng hộ và tin tưởng vào sự lựa chọn của cô. Ban đầu, cô chỉ cho học sinh xem và làm quen với tranh, dần khơi dậy sự yêu thích, mong muốn tìm hiểu của học sinh. Sau này, từ tiết dạy đó, cô Ngọc sáng tạo thêm thành bài giảng điện tử và giành nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi cấp quận. Đề tài này cũng giúp cô giáo giành được giải Nhất trong cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố," bà Lương Thị Thúy Nga chia sẻ.

Tiết học làm tranh dân gian Hàng Trống của cô Ngọc đã sáng tạo thêm thành bài giảng điện tử và giành nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi cấp quận. Đề tài này cũng giúp cô giáo giành được giải Nhất trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. (Ảnh: Thanh Tùng/ TTXVN)

Nói về ý tưởng của mình, cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc cho biết cảm nhận được sự lãng quên của xã hội hiện đại với một dòng tranh dân gian, cô tự cảm thấy mình cần phải làm gì đó để gìn giữ, bảo tồn dòng tranh quý.

Sau nhiều ngày trăn trở cùng với ý tưởng đã có từ trước, cô Ngọc đã tìm đến gặp nghệ nhân Lê Đình Nghiên - nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh dân gian Hàng Trống đang sinh sống ở Hà Nội để trao đổi, trò chuyện, tìm hiểu kỹ về quy trình làm tranh.

"Khi tôi tìm đến và trình bày ý tưởng của mình, nghệ nhân rất vui và sẵn sàng chỉ bảo những kiến thức còn thiếu sót. Mọi công đoạn từ làm khuôn, in, tô tranh đều được nghệ nhân truyền dạy kỹ lưỡng, chi tiết. Với những kiến thức đó, tôi đã có thêm sự tự tin để bắt đầu những công việc đầu tiên đưa dòng tranh dân gian Hàng Trống đến với các học sinh," cô Mỹ Ngọc chia sẻ.

Đứng trước thực trạng hiện nay các bản in khuôn cổ (bằng gỗ) của tranh dân gian Hàng Trống không còn nhiều, cô Ngọc đã mạnh dạn thiết kế khuôn in bằng gỗ. Để phù hợp với lứa tuổi học sinh mầm non, cô Ngọc đã lựa chọn những hình ảnh gần gũi với trẻ em như cá chép trông trăng, chim công, gà trống.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, cô đã gặp khó khăn khi chạm trổ những chi tiết uốn cong, những nét mảnh, nhỏ bởi gỗ là chất liệu cứng, đòi hỏi người làm khuôn phải rất cẩn thận, khéo léo.

Đồng hành trong suốt quá trình sáng tạo, thiết kế, lúc này, Ban Giám hiệu nhà trường đã gợi ý cô Ngọc có thể tìm những chất liệu khác, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa không quá khó trong việc tạo khuôn.

Sau nhiều ngày trăn trở, suy nghĩ kiếm tìm các nguyên vật liệu, cô Ngọc đã tìm ra chất liệu bằng xốp mềm vừa dễ cắt, dễ trổ. Từ đây, những bộ khuôn in được ra đời với hình bộ tố nữ, chim công, cá chép trông trăng, gà trống.

Việc lựa chọn nguyên liệu bằng xốp mềm thay thế gỗ đã giúp nhà trường và bản thân cô Ngọc tiết kiệm chi phí, dễ thực hiện, dễ vệ sinh và mang lại hiệu quả cao khi sử dụng cho trẻ tạo hình.

Sau nhiều ngày trăn trở cùng với ý tưởng đã có từ trước, cô Ngọc đã tìm đến gặp nghệ nhân Lê Đình Nghiên - nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh dân gian Hàng Trống hiện đang sinh sống ở Hà Nội để trao đổi, trò chuyện, tìm hiểu kỹ về quy trình làm tranh. (Ảnh: Thanh Tùng/ TTXVN)

"Đây là đề tài mà nhà trường và giáo viên rất tâm đắc và dành mọi ưu tiên bởi vì trường nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, nơi có dòng tranh dân gian Hàng Trống. Ý tưởng đề tài đã được giáo viên nuôi dưỡng nhiều năm nhưng triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, từ tiết dạy, sau đó chuyển sang bài giảng và nâng cao hơn thành sáng kiến kinh nghiệm. Tôi cho rằng đó là sự bền bỉ, đam mê và tâm huyết của giáo viên," Hiệu trưởng Lương Thị Thúy Nga chia sẻ.

Đối với Trường Mầm non Quang Trung, những thành tích của nhà trường hay mỗi cá nhân đều có sự đóng góp, đồng hành của toàn bộ tập thể, trong đó có sự chỉ đạo, định hướng, đầu tư bài bản của Ban Giám hiệu. Chính vì vậy, vài năm trở lại đây, nhà trường đều có giáo viên dành danh hiệu Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.

"Mọi sự sáng tạo dù nhỏ cũng đều được nhà trường trân trọng và động viên. Vì vậy, các giáo viên đều tự tin khi trình bày ý tưởng. Tôi vẫn nói với giáo viên rằng, đừng e ngại bởi từ cái nhỏ, các em hãy suy nghĩ, phát triển và sáng tạo để trở thành cái lớn, cái có ích, hiệu quả đóng góp cho sự nghiệp giáo dục Thủ đô. Đề tài của cô Ngọc cũng là như vậy, từ tiết học thành bài giảng rồi thành sáng kiến kinh nghiệm. Chỉ cần giáo viên có ý tưởng và tâm huyết, chúng tôi sẵn sàng đồng hành," bà Lương Thị Thúy Nga tâm sự.

Với hơn 22 năm công tác trong nghề, cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc luôn nhận được sự yêu quý của các đồng nghiệp, sự tin yêu của phụ huynh và học sinh bởi sự tâm huyết yêu nghề, mến trẻ, hết lòng tận tụy với công việc. Trong công tác chuyên môn, cô luôn tích cực học hỏi chuyên gia, bạn bè đồng nghiệp, thử nghiệm các phương pháp giáo dục tiên tiến trong quá trình dạy trẻ để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.

Được nhà trường tín nhiệm giao nhiệm vụ Khối trưởng khối mẫu giáo lớn, cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc đã luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, giúp đỡ, lan tỏa tình yêu nghề tới đồng nghiệp; luôn tiên phong đi đầu trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua.

Bên cạnh đó, cô còn tham gia các cuộc thi của ngành như thi thiết kế bài giảng E-learning, thi kỹ năng công nghệ thông tin cấp quận và cấp thành phố, thi sáng tác đặt lời mới cho ca khúc trong Ngày hội sách, thi sáng tác bài hát chào mừng 70 năm Ngày thành lập ngành Giáo dục Đào tạo Hà Nội.

Cô Ngọc cũng chủ động tham gia các hoạt động, phong trào thiện nguyện, góp phần sẻ chia khó khăn với những hoàn cảnh kém may mắn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục