Ngập úng kéo dài, thiếu nước sạch kèm theo tình trạng mất vệ sinh, rác thải "bủa vây"... trong những ngày qua khiến dịch bệnh có nguy cơ bùng phát tại các vùng ngập úng của huyện Chương Mỹ (Hà Nội).
Trước thực trạng trên, ngày 1/8, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội do Giám đốc Sở Nguyễn Khắc Hiền làm trưởng đoàn đã trực tiếp thị sát tình hình ngập úng tại huyện Chương Mỹ và công tác đáp ứng y tế, đảm bảo chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân vùng ngập úng.
Theo ông Dương Viết Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, tính đến ngày 31/7, huyện Chương Mỹ có 3.627 hộ có nhà bị ngập úng hoàn toàn thuộc 11 xã vùng thấp, trũng, trong đó có xã Nam Phương Tiến và xã Tân Tiến bị ngập úng nặng. Tại xã Nam Phương Tiến có bốn thôn bị ngập nặng là Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ, Hạnh Côn, trong đó thôn Nam Hải bị ngập nặng nhất và bị cô lập.
Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ và Trạm y tế các xã đã chủ động triển khai các phương án đối phó với thiên tai. Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ, các trạm y tế ở 11 xã bị ngập úng nặng tổ chức khám bệnh cho 1.544 người dân.
[Thủ tướng: Hà Nội cần biện pháp mạnh mẽ hơn hỗ trợ dân vùng ngập lụt]
Qua khám sàng lọc, các bác sỹ phát hiện 40 trường hợp bị đau mắt đỏ, 6 trường hợp bị tiêu chảy, 10 trường hợp mắc bệnh về da liễu và các bệnh khác.
Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ phối hợp với trạm y tế các xã đã tổ chức cấp phát 4.688 túi thuốc gồm thuốc tra mắt, thuốc ngoài da; 5.740 túi Cloramin B; 2.740 túi phèn chua cho các hộ dân bị ngập úng.
Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, cán bộ y tế của trung tâm và trạm, y tế thôn đã tổ chức tổng vệ sinh môi trường cho 347 hộ gia đình. Đặc biệt, Trung tâm Y tế huyện đã thành lập năm đội cấp cứu cơ động thường trực tại đê Tả Bùi sẵn sàng ứng cứu kịp thời nếu có sự cố xảy ra; đồng thời thành lập đội cơ động phòng chống dịch bệnh phối hợp với các xã lên phương án vệ sinh môi trường sau ngập úng.
Trung tâm Y tế huyện đã dự trù cơ số thuốc, trang thiết bị y tế sẵn sàng cho công tác sơ cấp cứu cho người dân và chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau ngập úng, đảm bảo người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe chu đáo.
Tại xã Nam Phương Tiến, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trạm y tế xã Nam Phương Tiến đã thành lập Trạm y tế dã chiến thường trực cấp cứu 24/24 giờ, tổ chức cấp phát thuốc ngoài da, thuốc phòng chống đau mắt đỏ, hóa chất CloraminB, phèn chua... cho người dân vùng bị cô lập; tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi có nguy cơ mắc các dịch bệnh mùa mưa lũ. Đồng thời, các cán bộ y tế tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân chủ động phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau ngập úng, không để dịch bệnh xảy ra...
Đa số người dân ở vùng bị ngập úng đã được cán bộ y tế tư vấn các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ, đảm bảo nguồn nước ăn sinh hoạt, biện pháp thu gom rác thải và xử lý theo quy định,được cấp phát thuốc miễn phí để chủ động bảo vệ sức khỏe phòng chống dịch bệnh...
Sau khi thị sát tình hình và thăm các hộ dân vùng ngập úng tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu các đơn vị y tế huyện Chương Mỹ phối phợp với Ủy ban Nhân dân các xã tiếp tục tăng cường công tác y tế, đảm bảo chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân một cách tốt nhất.
Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cử cán bộ có trình độ chuyên môn cao giám sát, hỗ trợ huyện Chương Mỹ giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường khi nước rút và dự trù hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng việc vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn huyện.
Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ, Bệnh viện Mắt Hà Đông và Bệnh viện Da liễu Hà Nội cần phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cấp cứu kịp thời các trường hợp mắc bệnh nặng, đáp ứng cơ số thuốc và tổ chức khám sức khỏe, tầm soát bệnh cho người dân... đảm bảo người dân được chăm sóc y tế chu đáo./.