Hà Nội: Nắng nóng, bệnh nhân cao tuổi gia tăng chóng mặt

Lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Xanh Pôn, Đức Giang, Bệnh viện Lão khoa Trung ương... đã tăng hơn hẳn những ngày thời tiết mát mẻ trước đó.
Hà Nội: Nắng nóng, bệnh nhân cao tuổi gia tăng chóng mặt ảnh 1 Khoa Lão - Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) đang quá tải bệnh nhân cao tuổi nhập viện cấp cứu, điều trị các bệnh tim mạch, huyết áp, đột quỵ, hô hấp.

Đợt nắng nóng gay gắt kỷ lục kéo dài cả tuần qua ở Hà Nội và chưa có dấu hiệu dừng lại đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sức khỏe người dân Thủ đô.

Ngày 3/7, tại Hà Nội, nhiệt độ phổ biến từ 38-40 độ C, có nơi trên 40 độ C. Sức nóng lan tỏa từ trong nhà, ra ngõ, tới công sở và tới cả bệnh viện. Lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Xanh Pôn, Đức Giang, Bệnh viện Lão khoa Trung ương... đã tăng hơn hẳn những ngày thời tiết mát mẻ trước đó.

Để chống nắng, nóng cho bệnh nhân, tất cả các bệnh viện ở Hà Nội đã tăng cường công tác phòng, chống nắng, nóng; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện như quạt, bạt che, nước uống, nước sinh hoạt và hướng dẫn chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa Lê Hưng cho biết số bệnh nhân cao tuổi đến khám, điều trị tại bệnh viện chiếm khoảng 70% tổng số bệnh nhân và đa số là bệnh nhân diện bảo hiểm y tế.

Trung bình mỗi ngày Bệnh viện đa khoa Đống Đa tiếp nhận khoảng 500-600 bệnh nhân, nhưng trong một tuần qua, do ảnh hưởng của nắng nóng, mỗi ngày bệnh viện có hơn 700-800 người đến khám; trong đó có nhiều trường hợp bị huyết áp cao, tim mạch, tai biến mạch máu não... phải điều trị nội trú.

Số bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Lão trong những ngày nắng nóng thường xuyên đạt 100-120% giường.

[Các cơ sở y tế sẵn sàng xử lý trường hợp cấp cứu do nắng nóng]

“Với đối tượng bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi, trên cơ sở Khoa Lão hiện có quy mô 40 giường bệnh, Bệnh viện đa khoa Đống Đa đang xây dựng đề án chuyển đổi bệnh viện thành bệnh viện đa khoa chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, theo đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2025, để trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt vào quý 2/2019. Để chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, nhất là trong những ngày nắng nóng, bệnh viện đang tăng cường các biện pháp chống nóng tại chỗ cho bệnh nhân, đảm bảo buồng phòng luôn thông thoáng,” Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa cho biết.

Tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, số lượng bệnh nhân cũng tăng đáng kể trong những ngày nắng nóng, cao điểm như ngày 2/7, số bệnh nhân nhập viện là 217 người, tăng 35% và số bệnh nhân đến khám là 1.586 người, tăng 30% so với mức trung bình của những ngày trước đó. Tại Khoa Nhi, Tiêu hóa và Dinh dưỡng, nhiều bệnh nhi đang điều trị sởi, tay chân miệng, viêm màng não và viêm não Nhật Bản (trong đó có cả bệnh nhân đã tiêm phòng viêm não Nhật Bản).

Tại bệnh viện đa khoa Đức Giang, những ngày nắng nóng vừa qua, số lượng bệnh nhân cũng tăng, tập trung chủ yếu vào đối tượng nhi và người cao tuổi. Các khoa có bệnh nhân nhập viện tăng gồm nhi, sơ sinh, tim mạch, tai mũi họng, mắt.

Ngoài bổ sung các phương tiện chống nóng cho người bệnh, các bệnh viện cũng thực hiện nhiều giải pháp giảm tải cho khu vực khám bệnh, giảm tối đa trình trạng bệnh nhân phải nằm ghép; tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về các biện pháp cấp cứu, xử lý trường hợp say nắng, say sóng và các bệnh dịch thường gặp trong mùa nắng nóng; chuẩn bị đủ cơ số thuốc, dịch truyền sẵn sàng cấp cứu người bệnh say nắng, say nóng và các bệnh mùa Hè.

Theo tiến sỹ-bác sỹ Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, nắng nóng là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng các bệnh về hô hấp, tim mạch, huyết áp thần kinh, tiêu hóa.

Những ngày đầu của đợt nắng nóng, số lượng bệnh nhân nhập viện chưa đột biến, nhưng theo kinh nghiệm vào các năm trước có những đợt nắng nóng kéo dài, lượng người già nhập viện có lúc quá tải, nhiều người bị đột quỵ, tim mạch.

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau: Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang... chống nóng.

Mọi người nên uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol... Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

Bên cạnh đó, không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Đồng thời, cần thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể; tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Cùng với đó, người dân nên thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục