Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và xuất hiện F1 liên quan đến trường hợp dương tính tại Hà Nam, chiều 29/4, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đã chủ trì phiên họp với các sở, ngành, quận, huyện để triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Hà Nội có 2 ca F1 của ca bệnh COVID-19 tại Hà Nam
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận F1 liên quan đến trường hợp dương tính tại Hà Nam.
[Hà Nam: Một thanh niên nhiễm COVID-19 sau khi hoàn thành cách ly]
Ông Hạnh đánh giá, sau một thời gian không phát hiện ca mắc mới ngoài cộng đồng nên một số nơi có biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.
“Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới dự báo lưu lượng người đi lại, du lịch nhiều hơn, tình trạng tập trung đông người sẽ gia tăng, như vậy nguy cơ dịch bệnh sẽ cao hơn,” ông Hạnh cảnh báo đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng phải hết sức cảnh giác, tập trung triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo tại Công điện 03 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm bốn tại chỗ; tăng cường kiểm tra, giám sát.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh lưu ý các địa phương cần tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt, phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn theo đúng quy định; thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bằng mã QR Code, bắt buộc các trường hợp tạm trú, tạm vắng sau kỳ nghỉ lễ quay trở lại thành phố phải khai báo y tế...
Về phía Sở Y tế, cơ quan này đã chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh. Cụ thể là chuẩn bị đầy đủ giường bệnh, cơ số thuốc, trang thiết bị cần thiết để tiếp nhận điều trị bệnh nhân trong trường hợp số ca mắc tăng lên ngoài khả năng tiếp nhận của bệnh viện tuyến trung ương; đảm bảo đầy đủ hậu cần cho công tác phòng chống dịch, đặc biệt là vật tư, hóa chất cho công tác xét nghiệm khi dịch bệnh bùng phát…
Thông tin thêm, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thành phố đã có 73 ngày không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng. Tuy nhiên, với chùm ca dương tính (5 người) trong gia đình của bệnh nhân tại tỉnh Hà Nam vừa được phát hiện cho thấy Hà Nội phải sẵn sàng trước nguy cơ dịch xâm nhập bất cứ lúc nào.
"Sở Y tế đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn bảo đảm đáp ứng yêu cầu cao nhất trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đồng thời tiếp tục sàng lọc cho những trường hợp có nguy cơ," bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Bắt buộc phải khai báo y tế
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Phó Chủ tịch thành phố Chử Xuân Dũng cho hay đến chiều tối 29/4 đã có 5 ca F0, hơn 30 F1; trong đó Hà Nội đã có hai ca F1 liên quan đến ca bệnh ở Hà Nam (một trường hợp ở Thanh Trì, trường hợp còn lại ở Đông Anh).
Vì vậy, để chủ động, ông Dũng đề nghị nâng cảnh báo nguy cơ lây lan dịch lên mức cao nhất đồng thời yêu cầu các lực lượng liên quan khẩn trương khoanh vùng, truy vết đối với hai trường hợp F1 nêu trên.
Ông Dũng nêu rõ: Tình hình dịch trong những ngày tới sẽ có diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh hàng trăm nghìn người dân đi nghỉ lễ trở về Hà Nội.
Do đó, ông lưu ý thêm các đơn vị chức năng phải kiểm soát chặt người dân các tỉnh khác đến Hà Nội và người dân thủ đô trở về sau nghỉ lễ.
"Người dân nếu rời khỏi Hà Nội trong dịp lễ 30/4, 1/5 khi trở về bắt buộc phải khai báo y tế," Phó Chủ tịch thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị từ thành phố đến xã, phường, các tổ COVID-19 cộng đồng cùng lực lượng công an chủ động rà soát, phát hiện những người nhập cảnh trái phép và những người cố tình bao che, tổ chức cho các đối tượng nhập cảnh trái phép để xử lý nghiêm.
Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố đề nghị các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông về đề cao cảnh giác với dịch bệnh, thực hiện việc tiêm vaccine phòng COVID-19, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định cũng như khuyến cáo người dân thực hiện triệt để thông điệp 5K của Bộ Y tế; trong đó 2 yếu tố quan trọng có thể quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay./.