Xác định công tác giao đất dịch vụ là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, ngay sau khi hợp nhất địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, giải quyết được cơ bản những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, tiến độ giao đất dịch vụ “trả nợ” nhân dân vẫn rất chậm. Đáng chú ý, có tới hơn 400ha đất dịch vụ đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện giao đất cho dân nhưng chính quyền địa phương chưa tổ chức giao đất cho dân.
Những vướng mắc, tồn tại kéo dài đòi hỏi thành phố Hà Nội phải "vào cuộc" quyết liệt hơn.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 590 dự án thu hồi đất nông nghiệp thuộc đối tượng giao đất dịch vụ, số hộ thuộc tiêu chuẩn giao đất dịch vụ là 75.749 hộ (không tính số hộ dân huyện Mê Linh được bồi thường, hỗ trợ theo Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND của thành phố).
Trong đó, trước khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, số hộ thuộc tiêu chuẩn giao đất dịch vụ là 72.658 hộ; sau sáp nhập là 3.091 hộ; số hộ đã được Ủy ban Nhân dân cấp huyện tổ chức xét duyệt tiêu chuẩn đất dịch vụ là 32.956 hộ.
Mặc dù thành phố Hà Nội đã quy hoạch, bố trí gần đủ quỹ đất dịch vụ (chỉ còn thiếu 1,68ha trong khi tổng nhu cầu là 849,16ha), nhưng đến nay, trên toàn thành phố mới tổ chức xét duyệt và giao đất dịch vụ được 17.981 hộ, đạt 23,73%.
Vấn đề cần được xác định rõ trách nhiệm ở đây là một số địa phương dù đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật nhưng không giao đất dịch vụ cho dân.
Điển hình là các quận, huyện Hà Đông (hơn 200 ha), Gia Lâm (32,86ha), Thạch Thất (30,74ha), Thường Tín (14,032ha), Thanh Trì (11,92ha)… Thậm chí, nhiều đơn vị chưa giao được cho hộ dân nào như các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Quốc Oai, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh…
Lý giải nguyên dẫn đến tiến độ thực hiện giao đất dịch vụ cho người dân quá chậm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, có rất nhiều nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan) nhưng do đây là chính sách tồn tại, trong quá trình triển khai có nhiều bất cập nên không thể giải quyết “một sớm, một chiều” được.
Song, ông Đông cũng khẳng định, thành phố và các ngành chức năng đã vào cuộc rất tích cực, tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách, nguồn vốn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án, từng địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế, các địa phương chưa chủ động, ưu tiên bố trí vốn đầu tư; chưa tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị, đoàn thể để vận động tuyên truyền đến người dân thu hồi đất giúp họ hiểu, đồng thuận với chính sách chung.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cái vướng ở đây một phần do chính sách và đối tượng được hưởng đất dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hà Tây trước đây, tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội thực hiện khác nhau và có nhiều thay đổi trong thời gian ngắn.
Đơn cử, hạn mức thu hồi đất nông nghiệp được hưởng chính sách giao đất dịch vụ, ban đầu chỉ dành cho các dự án lớn, trọng điểm hoặc khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và khu đô thị tập trung, sau đó các trường hợp thu hồi đất đều được hưởng chính sách giao đất dịch vụ…
Hay có những dự án đầu tư triển khai qua nhiều thời kỳ thực hiện chính sách đất dịch vụ khác nhau gây khó khăn trong quá trình xét duyệt đối tượng.
Cũng có nhiều dự án sau khi Hà Nội mở rộng phải tạm dừng chờ rà soát lại theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch phân khu được phê duyệt, dẫn đến nhiều khu đất không còn phù hợp với quy hoạch, đặc biệt một số quỹ đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật nay bị chồng lấn quy hoạch chung, quy hoạch phân khu như 17 khu đất dịch vụ tại các xã của huyện Hoài Đức.
Trong khi đó, nguồn lực từ ngân sách đầu tư để giải phóng mặt bằng, xây hạ tầng còn hạn chế. Hiện huyện Thạch Thất cần khoảng 350 tỷ đồng; huyện Hoài Đức cần khoảng 674 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, xây hạ tầng kỹ thuật…
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng chỉ rõ việc vận dụng chính sách giao đất dịch vụ của một số địa phương trước thời điểm sáp nhập còn hạn chế, một số ủy ban nhân dân cấp huyện trước đây cam kết, hứa với người dân được hưởng chính sách giao đất dịch vụ nhưng họ lại không thuộc đối tượng này như Mê Linh, Thạch Thất.
Tình trạng cấp xã xác nhận hợp đồng chuyển nhượng tiêu chuẩn được hưởng đất dịch vụ của các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi cũng gây khó khăn cho công tác xét duyệt, công khai phương án giao đất dịch vụ.
Theo kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ, cả hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở phải tập trung thực hiện quyết liệt. Chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phải khẩn trương xây dựng kế hoạch giao đất theo từng tháng, từng công việc, dự án cụ thể và báo cáo cấp ủy để thống nhất chỉ đạo, bảo đảm hoàn thành giao đất dịch vụ trong năm 2015.
Đặc biệt, đối với 400,7ha đất đã hoàn thành xong hạ tầng kỹ thuật, đã xét duyệt được 32.956 hộ, các huyện tổ chức giao đất ngay cho các hộ dân trước ngày 30/6/2015.
Với các dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa đủ kinh phí xây dựng hạ tầng, các huyện tổ chức lấy ý kiến đồng thuận của người dân cùng ứng kinh phí với ngân sách để triển khai xây dựng hạ tầng.
Đối với quỹ đất chưa bố trí đủ kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, các địa phương liên hệ với Quỹ Phát triển đất thành phố nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ vay vốn và tổ chức giải phóng mặt bằng theo hình thức cuốn chiếu, thực hiện dứt điểm tới từng dự án cụ thể.
Trường hợp đang thiếu quỹ đất dịch vụ cần tổ chức rà soát các quỹ đất (đấu giá, tái định cư, đất thương phẩm, các dự án sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai, đất nhỏ lẻ xen kẹt trong khu dân cư), đề xuất địa điểm để ưu tiên bố trí giao đất dịch vụ.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng kiến nghị thành phố, đối với các dự án mà thời điểm quyết định thu hồi đất thuộc đối tượng phải giao đất dịch vụ cho người dân, nhưng đến nay dự án vẫn chưa triển khai giải phóng mặt bằng, đề nghị thành phố loại khỏi danh mục các dự án thực hiện giao đất dịch vụ.
Khi chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng thì ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo Luật Đất đai 2013. Mặt khác, các địa phương thiếu quỹ đất dịch vụ cần tăng cường vận động người dân nhận bằng tiền thay bằng giao đất dịch vụ…
Khẳng định tính cấp thiết và không thể chậm trễ hơn nữa trong công tác giao đất dịch vụ, đảm bảo công bằng và tránh thiệt thòi cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thành lập Đoàn giám sát làm việc trực tiếp với các quận, huyện đang “nợ” đất của dân để xác định rõ nguyên nhân dẫn đến những tồn tại kéo dài, kiến nghị thành phố có giải pháp tháo gỡ dứt điểm.
Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam đồng tình với kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường và một số địa phương là cần thiết phải thành lập Đoàn công tác liên ngành thành phố kiểm tra kết quả thực hiện giao đất dịch vụ.
Bởi qua thực tế giám sát cho thấy nhiều kết luận của thành phố hướng dẫn, chỉ đạo, tháo gỡ trong công tác giao đất dịch vụ rất cụ thể trên từng địa bàn, nhưng các phòng, ban của huyện không nắm bắt kịp thời. Điều này thể hiện sự lúng túng trong công tác tham mưu, dẫn tới sự chậm trễ trong triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân./.