Theo Sở Y tế Hà Nội, Sở đang tiếp tục tham mưu với Ủy ban Nhân dân thành phố mở rộng chương trình sàng lọc ung thư đại trực tràng ra nhiều quận, huyện khác như Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Xuân, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai trong tháng Ba này.
Đồng thời, Sở vận động các nhà tài trợ tiến tới sàng lọc bệnh ung thư vú và một số bệnh khác cho người dân Thủ đô.
Chương trình tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng đã được triển khai ở 10 quận, huyện của Hà Nội gồm Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Ba Đình, Long Biên, Đống Đa, Sóc Sơn, Thanh Trì, Tây Hồ và Hai Bà Trưng.
[Hơn 100.000 người dân Hà Nội được tầm soát ung thư đại trực tràng]
Kể từ khi thực hiện chương trình tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng đến nay đã có 122.675 người dân được xét nghiệm miễn phí, trong đó phát hiện 6.654 ca dương tính (tương đương 5,4%). Ngoài ra có 275 ca được nội soi tiêu hóa và tư vấn sau xét nghiệm, 71 ca được làm thủ thuật cắt polyp đại tràng, 12 ca được phẫu thuật.
Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng ở nhiều quận, huyện vẫn còn gặp khó khăn do người dân chưa coi trọng việc tầm soát để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng. Do vậy cần tuyên truyền rộng rãi trên toàn thành phố để người dân hiểu và tham gia, hưởng ứng.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Phương Thảo, phụ trách chương trình tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng ở Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc, trong số hơn 5.000 người được khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng trên địa bàn quận Tây Hồ có đến 347 người dương tính với xét nghiệm, chiếm hơn 6%. Đây là tỷ lệ không hề nhỏ, cảnh báo mức độ phổ biến của các bệnh đường tiêu hóa nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng.
Trong trường hợp này, người dân sẽ được các bác sỹ tư vấn và chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu khác như xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư, nội soi đại tràng, sinh thiết polyp... để xác định rõ nguyên nhân và có phương án điều trị kịp thời./.