Tại Giao ban báo chí sáng 21/9, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã có thông tin chuyên đề về công tác phòng, chống dịch của địa bàn trong tình hình mới trên với lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí.
Phân loại nguy cơ để có biện pháp chống dịch phù hợp
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến 18 giờ ngày 20/9), thành phố ghi nhận 4.193 ca, trong đó, 1.312 ca ngoài cộng đồng; 1.857 ca trong khu cách ly; 762 ca trong khu phong tỏa; 213 ca trong bệnh viện; 49 ca nhập cảnh.
Số ca mắc trung bình/ngày trong đợt giãn cách thứ 4 giảm rất mạnh còn 27,6 ca/ngày (đợt 1: 71,2 ca/ ngày; đợt 2: 56,8 ca/ngày; đợt 3: 71,1 ca/ngày).
Trong ngày 20/9, Hà Nội có thêm 3 điểm phong tỏa tại Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai). Hiện, thành phố đang có 46 điểm đang phong tỏa. Các khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao đã dần được kiểm soát thông qua các biện pháp cách ly và phong tỏa diện rộng; còn 2/13 khu vực nguy cơ cao đang dần được kiểm soát.
Về công tác tiêm chủng, từ ngày 8/9, thành phố đã tiến hành đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại tất cả các quận, huyện, thị xã và các điểm tiêm chủng cố định, lưu động được đặt tại bệnh viện, trường học, phòng khám tư nhân, nhà văn hóa... đặc biệt ưu tiên và lưu ý cho lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng.
Bộ Y tế đã phân bổ vaccine kịp thời và sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự ủng hộ của người dân, bình quân mỗi ngày chiến dịch đã tiêm được 420.000 - 550.000 mũi; ngày cao điểm nhất đã tiêm 606.000 mũi.
Tính đến ngày 18/9, tổng số đã tiêm 6.432.921 mũi; trong đó có 5.671.487 mũi 1 (đạt 94% dân số trong độ tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên và 68,33% dân số); 786.095 mũi 2 (đạt 12% dân số trong độ tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên và 9,2% dân số).
Thực hiện Kế hoạch 206 về xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố, với sự huy động toàn bộ lực lượng y tế trong và ngoài công lập Thủ đô, với sự vào cuộc của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... cùng sự hỗ trợ của 12 tỉnh phía Bắc, từ ngày 8-15/9, thành phố đã lấy được 4.197.528 mẫu, đạt 84% kế hoạch; đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Từ ngày 16-19/9 đã lấy 90.977 mẫu thường quy, phát hiện 47 mẫu dương tính, còn lại là âm tính...
[Công an thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì 55 chốt kiểm soát dịch]
Thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo việc sàng lọc bằng xét nghiệm đối với các khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao theo đúng Công điện 1305 của Bộ Y tế; thực hiện công tác xét nghiệm, sàng lọc đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao như chuỗi cung ứng, người giao hàng... phân loại mức độ nguy cơ để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo nguyên tắc "bảo vệ vững chắc vùng xanh," "xanh hóa vùng vàng," "thu hẹp vùng đỏ"; tiếp tục rà soát tiêm vét mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho người dân từ trên 18 tuổi trở lên chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 trên cơ sở số vaccine được phân, giao của Bộ Y tế.
Thành phố nâng cao năng lực xét nghiệm, đồng thời huy động cả các đơn vị trong và ngoài công lập, các đơn vị Trung ương, bộ, ngành Trung ương trên địa bàn; củng cố các "pháo đài" chống dịch tại từng phường, xã, thị trấn, lấy người dân là "chiến sỹ," là trung tâm, là chủ thể để phòng, chống dịch với sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị.
Thành phố tăng cường thông tin tuyên truyền thống nhất, kịp thời về tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân biết, tin tưởng, ủng hộ hưởng ứng và yên tâm, tự giác thực hiện; hoàn thành chỉ tiêu tiêm chủng vaccine bao phủ cho toàn bộ người dân; tạo điều kiện tối đa cho người dân bảo đảm các sinh hoạt hàng ngày, bảo đảm an sinh xã hội và nhu cầu thiết yếu khác...
Chủ động, thận trọng nhưng không vội vàng
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc cho học sinh đi học trở lại, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Thành phố mong muốn cho học sinh đi học trở lại và đang cân nhắc việc này.
Theo phương án sắp tới, Hà Nội yêu cầu các trường học, địa bàn đánh giá các tiêu chí an toàn, từ đó có thí điểm triển khai tại một số vùng bảo đảm an toàn. Thành phố mong muốn sẽ triển khai công tác này sớm để học sinh có thể trở lại trường, bởi học online tại nhà cũng như trực tuyến cũng gây tác động không nhỏ đối vơi tâm lý, lứa tuổi, kiến thức của học sinh.
Đối với việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi 2, ông Chử Xuân Dũng khẳng định thành phố đã có dự liệu, tính toán để tiêm mũi 2 cho người dân, bảo đảm theo đúng tiến độ, kế hoạch.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, quan điểm xuyên suốt của Hà Nội là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm trên tinh thần luôn cầu thị, sẵn sàng lắng nghe, kể cả các ý kiến trái chiều, chưa đồng thuận để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Thời gian qua, với nhiều luồng thông tin, qua trao đổi của các nhà khoa học, giới doanh nghiệp, nhân dân, các cơ quan báo chí, Hà Nội đã có tiếp thu tuy nhiên phải kiên định nguyên tắc, bảo đảm mục tiêu đã đặt ra và công việc đã làm và có kết quả; dựa vào người dân và hệ thống chính trị, trong đó sự vào cuộc của người dân mang tính quyết định.
Bên cạnh đó, quan điểm của lãnh đạo thành phố Hà Nội là phải chuẩn bị trước một bước so với diễn biến, tình hình của dịch. Đối với các thông tin phản hồi của người dân, cơ quan báo chí, thành phố đã có sự tiếp thu, tiếp tục điều chỉnh.
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, mặc dù đạt được kết quả bước đầu nhưng Hà Nội vẫn có nguy cơ bùng phát dịch trở lại, bởi hiện nay vẫn còn F0 trong cộng đồng.
Lãnh đạo thành phố xác định chủ động chung sống hòa bình một cách an toàn với việc có F0 trong cộng đồng. Hà Nội không thể đóng chặt cửa ngõ bởi thành phố là trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa của cả nước vì vậy nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài vào là rất cao. Chính vì vậy, lãnh đạo thành phố tiếp tục duy trì 22 chốt cửa ngõ Thủ đô và 33 chốt giáp ranh giữa các quận, huyện của Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Cho đến giờ, việc lưu thông về lao động Hà Nội sang làm việc tại các tỉnh lân cận và ngược lại cũng như những người có nhiệm vụ đặc biệt, công vụ... chưa có gì ngăn cách, khó khăn, vẫn được tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm chuỗi cung ứng nhưng thành phố chưa có chủ trương mở cửa để người dân đi lại bình thường ở các cửa ngõ - ông Nguyễn Văn Phong nêu rõ.
Ngoài ra, nguy cơ lớn nhất hiện nay theo ông Nguyễn Văn Phong là sự lạc quan thái quá của cả hệ thống chính trị cũng như người dân. Đây là điều đáng lo vì trên thực tế Hà Nội vẫn đang là địa phương có nguy cơ.
Theo tiêu chí của Bộ Y tế, thành phố vẫn chưa đạt được tiêu chí để trở lại trạng thái bình thường mới (ít nhấtt tiêm phủ 70% mũi 1 và 20% mũi 2), bởi mới đạt 12% người được tiêm mũi 2.
Vì vậy, lãnh đạo thành phố xác định thận trọng, tính toán các bước đi để bảo đảm chủ động chung sống an toàn với dịch bệnh. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội xác định không thể chống dịch một mình, nên cần có sự tham khảo kinh nghiệm thế giới cũng như các địa phương lân cận.
Mong mỏi của người dân, doanh nghiệp là rất chính đáng nhưng để đạt được thành quả bước đầu như hiện nay là nhờ công sức, sự nỗ lực lớn của các lực lượng, đánh đổi nhiều nhu cầu về kinh tế, thời gian, sức khỏe... nhưng không vì thế mà vội vàng. Thành phố mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các bộ, ngành, doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nói./.