Việc tìm lời giải cho "bài toán" quản lý trẻ mồ côi, tàn tật, nhiễm HIV, lang thang, cơ nhỡ... trên địa bàn Hà Nội, nhất là sau những "lùm xùm" về việc mua bán trẻ em, quả thật không hề dễ dàng.
Cơ quan chức năng thành phố cần rà soát, xem xét công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc trẻ em một cách tổng thể, toàn diện hơn, từ đó có những quyết sách, chính sách phù hợp và dài hơi.
Rà soát những địa chỉ nhận nuôi trẻ
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội hiện nay, trên địa bàn vẫn còn một số cơ sở, nhà chùa đang thực hiện nuôi trẻ. Tuy chưa thống kê được số liệu cụ thể nhưng thành phố đang tiếp tục rà soát để sắp tới quyết định cho từng trường hợp.
Cụ thể, các cơ sở nuôi nhiều trẻ như nhà thờ Suy Xá, chùa Bồ Đề, chùa Trăm Gian nếu đủ điều kiện cần khẩn trương làm thủ tục pháp lý để chính quyền ra quyết định thành lập “cơ sở nuôi trẻ.” Trường hợp không đảm bảo tiêu chuẩn, các cơ sở này buộc phải dừng hoạt động tiếp nhận trẻ đồng thời rà soát hoàn cảnh, địa chỉ của từng em để có thể trả về địa phương hoặc đưa đi các trung tâm bảo trợ của thành phố.
Chùa Bồ Đề hiện đang nuôi dưỡng khoảng 116 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhưng chưa được cấp phép để trở thành cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập theo quy định của Chính phủ. Hiện tại, việc chăm sóc các cháu cũng chưa bảo đảm sự an toàn, vì vậy, trước mắt chùa Bồ Đề sẽ phải tạm dừng việc tiếp nhận những trường hợp trẻ em bị bỏ rơi.
Theo rà soát, hiện các trung tâm của thành phố có thể chứa thêm khoảng 180 em, do đó, trên 100 trẻ đang sống ở đây có thể sẽ được chuyển về các trung tâm xã hội.
Những ngày qua, thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo các địa phương, nhất là quận Long Biên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc hoạt động tại chùa Bồ Đề. Thành phố sẽ ra kết luận về những vấn đề liên quan. Hà Nội cũng đã xây dựng chiến lược, các đề án, dự án để phát triển, quản lý, bảo vệ trẻ em trên địa bàn toàn thành phố với tầm nhìn xa.
Nhiều khó khăn và rào cản
Ông Đặng Văn Bất, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, cho rằng lâu nay công tác quản lý cũng như việc rà soát, thống kê các đối tượng trẻ em bị bỏ rơi, cơ nhỡ... gặp rất nhiều khó khăn và chủ yếu dựa vào chính quyền sở tại. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ có chức năng quản lý đối tượng bảo trợ xã hội. Với các cháu sinh sống trong các chùa, muốn kiểm tra, cơ quan quản lý phải phối kết hợp với các ban, ngành và địa phương liên quan vì yếu tố tôn giáo khá “nhạy cảm.”
Hiện nay, thành phố đã có quyết định thành lập 16 cơ sở nuôi trẻ ngoài công lập. Vấn đề cấp phép cho các nhà chùa đang được đôn đốc đẩy nhanh nhưng cũng hết sức khó khăn vì cơ sở hạ tầng tại đây còn thiếu thốn, không đáp ứng yêu cầu.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo các địa phương cần nắm chắc số trẻ biến động. Kể từ thời điểm hiện nay; trẻ bị bỏ rơi, mồ côi không nơi nương tựa cần được báo cáo chính quyền để quyết định việc nuôi nhận.
Theo ông Đặng Văn Bất, Nhà nước vẫn khuyến khích cho nhận con nuôi, nhưng lâu nay do nhận thức, hiểu biết của người dân còn hạn chế nên việc xin nhận lại diễn ra ngoài vòng pháp luật, dẫn tới người bán trẻ thì vi phạm, người nhận nuôi thì lén lút, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng hoạt động. Tuy nhiên, việc nhận nuôi trẻ cũng phải thực hiện theo trình tự pháp luật quy định.
Ông Đặng Văn Bất chia sẻ công tác quản lý trẻ ở cơ sở đang còn nhiều yếu kém, hệ thống bộ máy quản lý mỏng, chính quyền không có người chuyên trách, cộng tác viên cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, chế độ nuôi dưỡng các em cũng rất thấp với khoảng 22.000 đồng/cháu/ngày, khó đảm bảo cuộc sống. Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội đang xây dựng phương án trình thành phố cần có cơ chế đặc thù trợ cấp thêm các đối tượng này.
Một khó khăn khác là khi đến tuổi trưởng thành (18 tuổi), các em phải ra khỏi trung tâm bảo trợ xã hội trong khi phần lớn đều bỡ ngỡ, thiếu tự tin, không có việc làm. Đây là vấn đề nan giải mà một số trung tâm trên địa bàn như Làng trẻ Birla; Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 3... đang phải đối mặt và họ phải “biến tấu” bằng việc tổ chức đào tạo nghề, tiếp tục để các em ở lại lao động kiếm thu nhập bằng sức lực của mình./.