Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã ra văn bản số 622/ SXD-MT, quy định “từ ngày 1/4/2014 tất cả các loại xe không có bộ phận cuốn ép (kể cả xe chuyên dùng chở rác nhập khẩu) sẽ không được tham gia vận chuyển rác về các khu xử lý rác thải tập trung tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.”
Tuy nhiên, quy định trên đã bị các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa phản đối mạnh mẽ, bởi trường hợp không cho xe chuyên dùng Hooklift chở rác trọng tải lớn về các khu xử lý rác thải sẽ đồng nghĩa với việc mỗi ngày trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 tấn rác thải sinh hoạt tồn đọng, dẫn tới nguy cơ "rác chất cao thành núi" và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn.
Đáng lo ngại nhất là tại địa bàn các quận, huyện đông dân cư-nơi có lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường lên tới hàng trăm tấn mỗi ngày như: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Từ Liêm, Hà Đông, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng…
Không những thế, việc cấm tất cả các loại xe không có bộ phận cuốn ép tham gia gia chở rác còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng, cũng như gây thiệt hại to lớn đến các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa thực hiện đấu thầu, đặt hàng các gói thầu vệ sinh môi trường.
Lý giải cho mối quan ngại trên, ông Đinh Văn Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông cho rằng, nếu quy định trên được áp dụng thì toàn bộ số xe Hooklift mà các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đã bỏ tiền túi mua hơn 2 tỷ đồng/xe, sử dụng các năm qua sẽ không thể vận chuyển các mặt hàng khác ngoài rác.
Theo ông Tiến, sở dĩ xe Hooklift tải trọng lớn (xe chở rác thùng rời) không thể vận chuyển các loại hàng hóa khác, nếu bị cấm chở rác, vì loại xe này ban đầu đăng ký, đăng kiểm đều ghi rõ xe chở rác. Kéo theo đó, toàn bộ hệ thống xe tải nhỏ thu gom, vận chuyển rác từ khu dân cư tới trạm (xe 1-2 tấn) sẽ phải thanh lý với giá rẻ.
Cùng với đó, các trạm trung chuyển và nén ép rác đã đầu tư không thể sử dụng do không phù hợp cơ cấu nạp rác của xe cuốn ép (loại xe cuốn ép rác trưc tiếp thông qua lưỡi cuốn và tấm ép di động).
“Bởi vậy, khi quy định trên được ban hành, toàn bộ cỗ xe tiền tỷ mà công ty nói riêng, cũng như toàn bộ số xe Hooklift mà các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đã đầu tư sẽ hóa thành sắt vụn,” ông Tiến lo ngại.
Cùng chung nỗi lo, ông Phạm Thiện Tài, Chủ tịch Hợp tác xã Thành Công chia sẻ, nhiều năm qua, đơn vị này sử dụng xe Hooklift để vận chuyển rác rất hiệu quả. Thực tế, mỗi ngày hơn 30 chiếc xe chuyên dùng của đơn vị này đã vận chuyển 700 tấn rác về khu xử lý rác thải tập trung tại xã Nam Sơn, nhà máy và các khu chôn lấp khác.
“Tuy nhiên, quy định nêu trên của Sở Xây dựng sẽ buộc chúng tôi phải thay đổi hoàn toàn công nghệ thu gom và vận chuyển rác trên tất cả các địa bàn. Đây là việc làm mất rất nhiều thời gian, phức tạp và tốn kém do phải bổ sung lao động thủ công, đầu tư thêm xe thu gom rác thủ công như trước khi chuyển đổi công nghệ. Như vậy là thụt lùi,” ông Tài bức xúc.
Không những vậy, theo ông Tài, việc “xóa tên” loại xe Hooklift khỏi mục đích chở rác cũng sẽ khiến các khu dân cư chật hẹp tái diễn cảnh hàng dãy dài xe 3 bánh chất đầy rác chờ được xe cuốn ép đến thu cẩu. Và, những chiếc xe cuốn ép cỡ lớn đỗ trên các tuyến đường chật hẹp sẽ lại diễn một điệp khúc "gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường."
Ngoài ra, khi đưa xe chuyên dùng có bộ phận cuốn ép vào sử dụng sẽ tăng chi phí vận chuyển và lãng phí ngân sách (mỗi chuyến xe cuốn ép luôn phải cõng trên mình bộ phận chuyên dùng cuốn ép nặng từ 2 đến 2,5 tấn) tiêu tốn một lượng nhiên liệu không nhỏ.
Cùng với đó, xe chuyên dùng có bộ phận cuốn ép cũng dẫn tới việc tăng mật độ giao thông trên tuyến đường đến khu xử lý rác của thành phố; trong đó có trục giao thông trọng điểm đón khách quốc tế: Bắc Thăng Long – Phạm Văn Đồng – Phạm Hùng. Đặc biệt là tuyến đường 35 vào khu xử lý rác Nam Sơn.