Bộ Y tế cho biết từ 17 giờ ngày 11/9 đến 17 giờ ngày 12/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.478 ca mắc mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 11.469 ca ghi nhận trong nước.
Số ca mắc COVID-19 giảm nhẹ
Trong số ca mắc mới ngày hôm nay, Thanh phố Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận số ca mắc nhiều nhất nước với 6.158 ca, Bình Dương 3.188 ca, Đồng Nai 974 ca…; có 6.650 ca trong cộng đồng. So với ngày 11/9, số ca mắc ghi nhận trong nước giảm 458 ca.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 613.375 ca mắc, đứng thứ 49/222 quốc gia và vùng lãnh thổ; ở tỷ lệ ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 157/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.235 ca nhiễm ca).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay ca), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 608.997 ca, trong đó có 371.804 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Ngày 12/9 có 11.116 ca được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 374.578 ca.
Theo thống kê sơ bộ, 6.057 bệnh nhân nặng đang điều trị; trong đó 3.835 ca thở ôxy qua mặt nạ; 1.123 ca thở ôxy dòng cao HFNC; 140 ca thở máy không xâm lấn 929 ca thở máy xâm lấn; 30 ca ECMO.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.279 ca, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1% ca).
Tiếp nhận thêm 200.000 liều vaccine COVID-19
Ngày 12/9, tại Sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã tiếp nhận 200.000 liều vaccine COVID-19. Trong đó có 100.000 liều do Chính phủ Bỉ tặng và 100.000 liều còn lại do Chính phủ Slovakia tặng.
[Ngày 12/9: Việt Nam ghi nhận 11.478 ca mắc mới, 261 ca tử vong]
Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 35 triệu liều vaccine COVID-19 từ các nguồn khác nhau, trong đó nhiều nhất là vaccine AstraZeneca. Đây là vaccine đầu tiên được Việt Nam phê duyệt sử dụng và tiêm chủng.
Lập kỷ lục số mũi tiêm trong ngày
Tính đến ngày 12/9, nhiều quận nội thành thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tiêm vaccine được giao, tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm diện rộng.
Trong ngày, thành phố đã tiêm vaccine phòng COVID-19 được 573.829 mũi, nâng tổng số mũi tiêm cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của Ủy ban Nhân dân thành phố tính đến 18 giờ ngày 12/9 lên 4.480.426 mũi, trong đó sử dụng 4.088.460/4.591.476 liều vaccine được cấp, đạt tiến độ 89%.
Để hoàn thành kế hoạch, bên cạnh sự hỗ trợ của đội ngũ nhân viên y tế đến từ 11 tỉnh, thành phố theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã huy động tối đa các lực lượng y tế cả công lập và tư nhân trên địa bàn cùng tham gia.
Từ ngày 8/9 đến 10/9, Hà Nội đã mở thêm 300 dây chuyền tiêm, nâng tổng số toàn thành phố lên 1.500 dây chuyền tiêm.
Đặc biệt, thành phố yêu cầu triển khai 3 ca tiêm/ngày, tức là tiêm cả buổi tối và chủ trương không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm, giảm tối đa mọi thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân được tiêm chủng nhanh nhất, an toàn nhất.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, bắt đầu từ ngày 8/9 vừa qua, tốc độ tiêm vaccine đã được đẩy lên rất cao và liên tiếp thiết lập kỷ lục mới về số mũi tiêm trong ngày.
Các con số tăng dần, từ 300.000 mũi ngày 8/9 toàn thành phố; 330.000 mũi ngày 9/9; 360.000 mũi ngày 10/9. Đặc biệt, chỉ tính từ 18 giờ ngày 10/9 đến 18 giờ ngày 11/9, thành phố đã triển khai tiêm 411.452 mũi. Đây là ngày có số lượng mũi tiêm cao nhất kể từ khi thành phố tăng tốc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Nhiều quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Cầu Giấy… đã huy động toàn bộ công chức trên địa bàn các phường tham gia trực, hướng dẫn người dân đến tiêm.
Bên cạnh đó, các lực lượng hỗ trợ như đoàn thanh niên, cán bộ y tế các tỉnh, thành phố khác đã nhanh chóng phối hợp, triển khai nhuần nhuyễn các công việc trong dây chuyền, đảm bảo vừa nhanh, vừa an toàn cho người tiêm.
Số ca bệnh chuyển nặng có xu hướng giảm
Tỷ lệ phát hiện dương tính với COVID-19 từ xét nghiệm cộng đồng giảm, số ca bệnh chuyển nặng tại các tầng điều trị có xu hướng giảm là những tín hiệu tích cực trong công tác điều trị COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh những ngày gần đây. Đó là nội dung được đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố thông tin chiều 12/9.
Bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong chiến dịch xét nghiệm từ ngày 23/8 đến nay, các khu vực có nguy cơ rất cao và cao (vùng đỏ và vùng cam trên bản đồ COVID-19) đã hoàn thành 2 đợt và đang tổ chức xét nghiệm đợt 3 đạt khoảng 55%.
Trong số đó, tỷ lệ phát hiện các ca dương tính qua xét nghiệm cộng đồng có xu hướng giảm đáng kể qua các đợt. Cụ thể, tỷ lệ dương tính trong đợt xét nghiệm đầu tiên là 3,6%, đợt hai là 2,7% và kết quả đợt 3 (đang thực hiện) là 1,3%. Bên cạnh đó, tỷ lệ phát hiện ca dương tính qua xét nghiệm tại vùng vàng là 1,44% và vùng xanh là 0,78%.
Về công tác điều trị F0, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Thành phố hiện đang có gần 60.000 F0 thực hiện cách ly tại nhà và gần 27.000 F0 đang cách ly điều trị tại các cơ sở y tế. Với những F0 cách ly tại nhà, ngành Y tế Thành phố đã tăng cường các Tổ Y tế lưu động, Trạm Y tế cơ sở tại phường, xã, đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc đầy đủ, phát túi thuốc điều trị, kịp thời phát hiện các ca chuyển nặng để chuyển viện điều trị, giảm tử vong.
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, theo dõi những ngày qua tại các Bệnh viện điều trị COVID-19, số bệnh nhân chuyển nặng đang có xu hướng giảm. Tính đến 18 giờ ngày 11/9, có 2.690 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Bên cạnh đó, số ca tử vong do COVID-19 có dấu hiệu giảm, ở mức 200 ca/ngày. Đây là những tín hiệu tích cực trong công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nhưng mức giảm chưa nhiều và ổn định.
Trên 10.000 tình nguyện viên đăng ký tham gia chống dịch T hông tin từ Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, chỉ sau một thời gian ngắn phát động, Trung ương Đoàn đã nhận được đơn đăng ký tình nguyện tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực phía Nam của hơn 10.000 tình nguyện viên trên cả nước qua website: http://chongdich.doanthanhnien.vn. Con số này gấp đôi số lượng dự kiến ban đầu là 5.000 tình nguyện viên.
Đây là những cán bộ, giáo viên, giảng viên trẻ, sinh viên, học sinh của các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng, trung cấp các khối ngành chăm sóc sức khỏe của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các tỉnh, thành phố có đông lực lượng tình nguyện viên tham gia đăng ký, gồm: Hà Nội (1.586 tình nguyện viên); Đắk Lắk (810 tình nguyện viên), Đà Nẵng (709 tình nguyện viên), Thừa Thiên Huế (690 tình nguyện viên), Hải Dương (684 tình nguyện viên), Thành phố Hồ Chí Minh (548 tình nguyện viên)...
Trong số hơn 10.000 tình nguyện viên đăng ký, có gần 8.000 tình nguyện viên thuộc các khối ngành chăm sóc sức khỏe. Hơn 60% tình nguyện viên đã từng tham gia các hoạt động tình nguyện của tổ chức Đoàn, Hội và hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương, đơn vị và các tỉnh, thành phố khác.
Ban Bí thư Trung ương Đoàn sẽ phối hợp với Bộ Y tế bảo đảm cho các tình nguyện viên phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19, được trang bị, tập huấn đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết trong phòng, chống dịch trước khi có lệnh điều động từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Cách điều chỉnh lại thông tin cá nhân sau tiêm chủng COVID-19
Liên quan đến việc không ít trường hợp đã được cập nhật thông tin tiêm chủng, tuy nhiên các thông tin về ngày sinh, họ và tên, giới tính... chưa chính xác, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết cho biết: Những thông tin này đều có thể được kiểm tra và thay đổi thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.
Với người tiêm vaccine trước khi tiêm, các y bác sỹ cũng sẽ kiểm tra lại thông tin cá nhân của người được tiêm một lần nữa, có thể cập nhật lại thông tin tại nơi tiêm.
Trường hợp muốn điều chỉnh thông tin tiêm chủng, người dân cần cung cấp đầy đủ thông tin, đính kèm ảnh chụp "Giấy xác nhận đã tiêm vaccine COVID-19" vào phần phản ánh thông tin tiêm vaccine COVID-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng tiemchungcovid19.gov.vn hoặc đến số điện thoại đường dây nóng 19009095.
Sau đó, điền đầy đủ các thông tin cá nhân cần thiết như họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân (CMND/CCCD), đơn vị công tác, số điện thoại và cuối cùng là mục thông tin cần điều chỉnh.
"Tại đây, người dùng có thể gửi yêu cầu điều chỉnh thông tin về mũi tiêm 1, mũi tiêm 2 hoặc cả hai mũi, sau đó nhập thông tin cần điều chỉnh và bấm thêm tệp để tải lên giấy chứng nhận được cấp trước đó và bấm gửi," ông Nam hướng dẫn.
Đơn vị tiêm chủng vaccine COVID-19 sẽ chịu trách nhiệm cập nhật và nhập dữ liệu của người được tiêm vaccine lên hệ thống. Vì vậy, người dân có thể liên hệ với điểm tiêm chủng để đơn vị cập nhật đầy đủ các mũi tiêm vaccine COVID-19./.