Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội
Theo nội dung Quyết định này, lao động tự do được hỗ trợ là người lao động theo quy định tại khoản 1 điều, 3 của Luật Việc làm (người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc), làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố.
[Nâng mức nguy cơ, chuẩn bị các kịch bản ứng phó dịch]
Đó là Công điện số 04/CĐ-UBND, ngày 29/4/2021; Công điện số 06/CĐ-UBND, ngày 3/5/2021; Chỉ thị số 12/CT-UBND, ngày 11/5/2021; Văn bản số 1408/UBND-KGVX, ngày 11/5/2021; Công điện khẩn số 11/CĐ-UBND ngày 24/5/2021; Công điện số 14/CĐ-UBND ngày 12/7/2021; Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 18/7/2021 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Nhóm lao động tự do khác được hỗ trợ là người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ khi cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố; bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần. Phương thức chi trả theo hình thức trực tiếp cho người lao động trên cơ sở danh sách được phê duyệt.
Đối với các trường hợp người lao động bị mất việc làm thuộc các ngành nghề bị tạm dừng hoạt động sau ngày Quyết định số 3642/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành, thì các bên liên quan áp dụng theo văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố hoặc chính quyền địa phương theo từng thời điểm và diễn biến của dịch COVID-19.
Cách thức tổ chức thực hiện đối với lao động tự do được hướng dẫn chi tiết tại phụ lục kèm theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND, làm cơ sở để các bên liên quan khẩn trương thực hiện.
Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động
Cũng tại Quyết định này, Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (áp dụng là 12 tháng, từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022); hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, trong thời gian từ ngày 7/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
Ngoài ra, lãnh đạo thành phố đồng ý hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương… chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Đối với việc hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế theo quyết định 3642, các trường hợp F0, F1 đang điều trị, cách ly tại cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế, trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, Sở Y tế sẽ rà soát, thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, Sở Y tế trả lời đơn vị bằng văn bản và nêu rõ lý do.
“Trong 5 ngày làm việc, cơ sở y tế có trách nhiệm chi trả đầy đủ các chế độ hỗ trợ theo danh sách đã được Sở Y tế phê duyệt theo Mẫu số 08c tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và thực hiện quyết toán kinh phí theo quy định,” Quyết định 3642 nêu rõ.
Đối với trường hợp F0, F1 đang cách ly tại Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội thì Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội căn cứ vào hồ sơ quy định tại khoản 2, Điều 27, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg lập danh sách theo Mẫu số 08a, 08b tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đối với các trường hợp F1 đủ điều kiện hưởng chính sách gửi Công an thành phố Hà Nội. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/3/2022.
Đối với trường hợp F1 đang cách ly tại khu cách ly tập trung do Bộ Tư lệnh Thủ đô là đơn vị thường trực điều hành sẽ căn cứ vào hồ sơ quy định tại khoản 2, Điều 27, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg lập danh sách theo Mẫu số 08a, 08b tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đối với các trường hợp F1 đủ điều kiện hưởng chính sách gửi Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Ngoài ra, thành phố cũng quyết định hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật; hướng dẫn viên du lịch; Hỗ trợ Hộ kinh doanh; Người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất…
Kinh phí hỗ trợ từ nhiều nguồn
Về nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp, đối với các nhiệm vụ do sở, ngành thực hiện, kinh phí thực hiện chính sách do ngân sách thành phố bảo đảm theo quy định. Đối với các quận, huyện, thị xã sử dụng ngân sách của quận, huyện, thị xã (50% dự phòng ngân sách các cấp, nguồn cải cách tiền lương còn dư) để kịp thời chi trả cho các đối tượng thụ hưởng, ngân sách thành phố bổ sung kinh phí còn thiếu cho các huyện, thị xã để thực hiện chính sách.
Kinh phí hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được bảo đảm từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đối tượng người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động. Nguồn vốn thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (Nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho người sử dụng lao động vay theo quy định tại Quyết định này là nguồn vay tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng, không có tài sản bảo đảm, lãi suất 0%/năm từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thời hạn giải ngân tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến hết ngày 31/3/2022 hoặc khi giải ngân hết nguồn tái cấp vốn tùy theo điều kiện nào đến trước).
Ủy ban Nhân dân thành phố giao các sở, ngành, quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ theo nhiệm vụ được phân công, bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị, người lao động và các đối tượng có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Cùng với đó tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề công tác triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo nhiệm vụ được phân công; kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm, gây khó khăn, phiền hà, chậm trễ trong triển khai thực hiện.../.