Hà Nội: Lãnh đạo Sở bức xúc khi 700 hiệu trưởng… “ngồi im phăng phắc”

Hội nghị có sự tham gia của hơn 700 hiệu trưởng các trường tiểu học tại Hà Nội, nhưng khi lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các hiệu trưởng phát biểu ý kiến thì không nhận được ý kiến nào.
Hà Nội: Lãnh đạo Sở bức xúc khi 700 hiệu trưởng… “ngồi im phăng phắc” ảnh 1Bắt đầu từ năm học 2014-2015, giáo viên không chấm điểm với học sinh tiểu học. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Hôm nay, ngày 21/1, lần đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ một bậc tiểu học theo hình thức trực tuyến giữa lãnh đạo sở và 29 điểm cầu là các phòng giáo dục của các quận, huyện. Một điểm rất mới nữa là lần đầu tiên hội nghị sơ kết không chỉ có các cán bộ sở, phòng giáo dục mà còn có sự tham gia của khoảng 700 hiệu trưởng các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.

Theo Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Nguyễn Trí Dũng, sở dĩ Sở Giáo dục Hả Nội họp trực tuyến với quy mô lớn như vậy là để các cán bộ, hiệu trưởng ở cơ sở được trực tiếp thảo luận, chia sẻ các vấn đề còn vướng mắc. 

“Việc thực hiện Thông tư 30 về thay đổi cách đánh giá đối với học sinh tiểu học từ chấm điểm sang nhận xét vẫn chưa thông suốt, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý có ý kiến. Thắc mắc chắc chắn có,” ông Dũng nói.

Giáo viên đừng tự làm khổ mình

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, bà Lê Thị Minh Xuyến, Phó Phòng Giáo dục đào tạo Cầu Giấy, cho biết đơn vị này đã rất sát sao trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên thực hiện tốt Thông tư 30.

“Tôi đề xuất Sở xem xét nghiên cứu phần mềm ứng dụng nhận xét để giảm tải cho giáo viên, đặc biệt là với những trường có số lượng học sinh rất lớn, lên đến 50 học sinh mỗi lớp,” bà Xuyến nói.

Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: “Không ai bắt các thầy cô phải nhận xét nhiều như vậy. Các thầy cô đừng tự làm khổ mình!”

Giải thích cụ thể hơn, ông Tiến cho biết sổ nhận xét chỉ như nhật ký của giáo viên, chỉ ghi đặc điểm của những học sinh mà giáo viên cần lưu ý, đó có thể là nhược điểm hoặc ưu điểm nổi trội, để giúp các em khắc phục các nhược điểm hay phát huy ưu điểm, theo dõi sự tiến bộ. Và vì thế, không phải ngày nào cũng ghi nhận xét cho tất cả các học sinh. 

Việc ghi những từ chung chung như “hoàn thành”, “biết tính toán” cho tất cả các học sinh sẽ không giải quyết vấn đề gì, mất công ghi, quá tải mà không ý nghĩa. 

“Thay vì ghi tất cả các sổ là học sinh hoàn thành, thì chỉ chọn những em có vấn đề cần quan tâm để ghi, chẳng hạn ở môn tiếng Việt, học sinh A viết chữ thiếu móc… Một giáo viên dạy nhạc có thể dạy đến 700 học sinh, giáo viên không thể ghi sổ bằng đó học sinh mà chỉ ghi những em còn hạn chế. Một cuốn sổ không phải mục nào, dòng nào cũng ghi,” ông Tiến chia sẻ.

Về việc nhận xét vào vở học sinh, ông Tiến cho rằng cách ghi của giáo viên hiện nay như “cô khen”, “con có cố gắng”… nếu lạm dụng sẽ gây nhàm cho học sinh. Thay vào đó, giáo viên có thể đánh dấu vào những lỗi cụ thể của các em trong bài. Những nhận xét thường xuyên của giáo viên sẽ là động lực để học sinh học tốt hơn. 

Hiệu trưởng máy móc và hình thức

Theo ông Tiến, sự máy móc trong nhận xét dẫn đến quá tải của các giáo viên có một phần lỗi của các hiệu trưởng. “Giáo viên căng mình nhận xét vì sợ khi hiệu trưởng kiểm tra mà không thấy có nhận xét sẽ phê bình. Điều đó cho thấy chính các hiệu trưởng cũng rất máy móc, hình thức,” ông Tiến nhấn mạnh.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 700 hiệu trưởng các trường tiểu học trên toàn thành phố, nhưng khi lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các hiệu trưởng phát biểu ý kiến thì không nhận được bất cứ phản hồi nào.

Theo Phó Giám đốc Sở Phạm Xuân Tiến, đây là điều rất đáng thất vọng.

“Tôi không thấy đầu cầu nào đăng ký phát biểu. Không thể hơn 700 hiệu trưởng mà không ai có băn khoăn. Phải mạnh dạn nêu ý kiến, bày tỏ những bức xúc của các giáo viên, cán bộ cơ sở của mình để các cấp quản lý có thể giải đáp, các hiệu trưởng có thêm thông tin, từ đó làm mới triển khai được tốt hơn,” Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục