Lãng phí hàng tỷ đồng nếu cấm xe Hooklift

Hà Nội: Lãng phí hàng tỷ đồng nếu cấm xe Hooklift

Theo các doanh nghiệp tham gia xã hội, việc cấm xe chuyên dùng Hooklift vận chuyển rác sẽ gây lãng phí hàng tỷ đồng và khiến trạm trung chuyển rác ở Hà Nội "tê liệt."
Hàng loạt xe chở rác chuyên dùng Hooklift có thể sẽ bị "xóa sổ." (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Liên quan đến việc Sở Xây dựng Hà Nội ra văn bản quy định “từ ngày 1/4/2014 tất cả các loại xe không có bộ phận cuốn ép sẽ không được tham gia vận chuyển rác về các khu xử lý rác thải tập trung tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn,” nhiều doanh nghiệp tham gia xã hội hóa cho rằng "lệnh cấm" này sẽ khiến mô hình trạm trung chuyển rác rơi vào cảnh “tê liệt," dẫn tới lãng phí hàng chục tỷ đồng.

Theo đại diện Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long, việc áp dụng công nghệ trung chuyển (sử dụng xe chuyên dùng Hooklift) sẽ góp phần giảm việc thu gom rác bằng xe gom rác đẩy tay thủ công, giảm các điểm tập kết xe chứa rác chờ cẩu lên xe cuốn ép tại các khu dân cư, cũng như hạn chế ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, theo công nghệ này, nguồn rác phát sinh ban đầu sẽ được xe đẩy tay-thùng đựng rác cố định và di động thu nhận rác để vận chuyển đến điểm tập kết, sau đó đưa tới trạm trung chuyển trước khi xe chuyên dùng Hooklift vận chuyển rác tới khu xử lý rác thải tập trung tại xã Nam Sơn, nhà máy và bãi chôn lấp.

“Mô hình trạm trung chuyển này cũng đã triển khai rất thành công ở các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Tại Việt Nam, mô hình này đã được áp dụng từ năm 2000 và hiện vẫn đang được triển khai tại các đô thị lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,” đại diện Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long nhấn mạnh.

Tại thành phố Hà Nội, để xây dựng mô hình trạm trung chuyển rác-điểm tập kết rác tại các xã, góp phần hỗ trợ thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chôn lấp hợp vệ sinh, Ủy ban Nhân dân thành phố và các huyện cũng đã quyết định "mở két," chi hàng trăm triệu đồng cho mỗi điểm tập kết rác thải tập trung.

Theo Quyết định số 50/2010/QĐ-UBND về “Đầu tư xây dựng các điểm tập kết rác thải tập trung của xã và đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo điểm xử lý chôn lấp rác thải hợp vệ sinh tập trung của các huyện,” ngân sách thành phố hỗ trợ xây dựng các điểm tập kết rác thải tập trung với số tiền 200 triệu đồng/xã; phần còn thiếu ngân sách huyện, xã tự cân đối.

Căn cứ vào quyết định trên, đại diện các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa cho rằng việc cấm xe Hooklift tải trọng lớn vận chuyển tới bãi chôn lấp là quyết định rất “trái khoáy,” bởi việc loại bỏ xe chuyên dùng Hooklift vận chuyển rác sẽ phá vỡ công nghệ trạm trung chuyển, làm gia tăng lượng rác tồn đọng, cũng như gây lãng phí hàng chục tỷ đồng.

Cụ thể, trong trường hợp chỉ dùng xe chở rác có bộ phận cuốn ép, mỗi ngày trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ có khoảng 1.500 tấn rác thải sinh hoạt tồn đọng, nhất là các quận-huyện có lượng rác thải sinh hoạt lên tới trên dưới 250 tấn/ngày như Hoàng Mai, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ...

Sơ đồ công nghệ trung chuyển rác bằng xe Hooklift tải trọng lớn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Cùng với đó, quyết định loại bỏ xe chuyên dùng Hooklift vận chuyển tới bãi chôn lấp có thể sẽ khiến hàng chục điểm tập kết rác thải tập trung (mỗi điểm có giá trị xây dựng lên tới hàng trăm triệu đồng) sẽ bị giãn đoạn. Kéo theo đó, tình trạng tùy tiện vứt rác thải sinh hoạt ra nơi công cộng sẽ diễn ra phổ biến hơn.

Trong khi đó, theo Nghị định số 130/2013/NĐ-CP và các quyết định số 113/2009/QĐ-UBND, số 16/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thì các doanh nghiệp nhiều thành phần có đủ năng lực được tham gia đấu thầu, đặt hàng các sản phẩm dịch vụ công ích trên địa bàn thành phố; được thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành, tiết kiệm ngân sách.

Trên cơ sở đó, từ năm 2009 đến nay, không ít đơn vị xã hội hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai áp dụng toàn bộ, hoặc từng phần công nghệ trung chuyển qua trạm (có sử dụng xe Hooklift) tại một số quận, huyện như: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ...

Được biết, tổng số kinh phí các đơn vị xã hội hóa tự đầu tư để triển khai công nghệ trung chuyển bằng xe chuyên dùng Hooklip qua trạm trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 70 tỷ đồng; trong đó đầu tư xe Hooklift trên 40 tỷ đồng, xe tải nhỏ thu gom khoảng 8 tỷ đồng, trạm trung chuyển và thiết bị  bốc xếp, nén ép rác tại trạm khoảng 20 tỷ đồng.

Trước mối lo nêu trên, đại diện các đơn vị xã hội hóa, ông Phạm Thiện Tài, Chủ tịch Hợp tác xã Thành Công kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, huyện Sóc Sơn và Sở Xây dựng xem xét lại quy định chỉ dùng xe chuyên dùng cuốn ép để vận chuyển rác vì sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng vệ sinh môi trường trên nhiều địa bàn do thay đổi công nghệ đột ngột, thiếu xe vận chuyển rác.

“Nếu bỏ xe chuyên dùng Hooklift để sắm mới toàn bộ xe cuốn ép với giá trị khoảng 2,5 tỷ đồng thì doanh nghiệp xã hội hóa lấy đâu ra tiền. Trong khi đó, sử dụng xe Hooklift sẽ là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội theo định hướng về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2015 – 2030,” ông Tài nhấn mạnh./.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ về "lệnh cấm" xe chở rác chuyên dùng Hooklift của Sở Xây dựng, ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, lý do Sở Xây dựng ra quy định cấm xe chuyên dùng Hooklift là vì huyện Sóc Sơn cho rằng dòng xe này trọng tải lớn, trong quá trình vận chuyển rác đã làm hỏng đường của địa phương.

Vị Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng nhìn nhận, việc cải tiến xe chuyên dùng chở rác là việc làm rất cần thiết, tuy nhiên cần phải có lộ trình để các doanh nghiệp xã hội hóa có thời gian chuẩn bị, tính toán hợp lý, cũng như không để tình trạng rác tồn đọng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục