Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phương án tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn từ ngày 1/7/2024.
Phù hợp với khả năng chi trả của người dân
Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, đến nay, thành phố có 153 tuyến xe buýt đang khai thác, trong đó có 128 tuyến trợ giá, 9 tuyến không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour. Hiện, hành khách sử dụng vé tháng chiếm trên 80% tổng lượng khách đi xe buýt ở Hà Nội, số lượng thẻ vé miễn phí tăng dần theo từng năm.
Tuy nhiên, kinh phí trợ giá vẫn ở mức cao (đặc biệt là giai đoạn 2020-2022); thời gian, tốc độ di chuyển buýt vẫn còn chậm; tỷ lệ người dân tham gia vẫn chưa đáp ứng được mong muốn; một số cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới phương tiện cho doanh nghiệp vẫn còn khó tiếp cận; việc mở rộng mạng lưới chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân (một số nơi người dân chưa tiếp cận được xe buýt); một số tuyến buýt hiệu quả hoạt động chưa cao.
Hơn nữa, giá vé xe buýt hiện nay được áp dụng từ 1/5/2014 đến nay đã 9 năm chưa thực hiện điều chỉnh giá vé xe buýt, vì thế thực hiện cơ cấu lại vé và giá vé xe buýt hiện tại để đảm bảo phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, sự phát triển mạng lưới tuyến và khả năng chi trả của người dân là cần thiết.
Đề xuất điều chỉnh tăng giá vé xe buýt có trợ giá của Hà Nội
Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, giá vé xe buýt Hà Nội lượt cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 lên 8.000 đồng; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 lên 10.000 đồng; từ 25km đến dưới 30km tăng từ 8.000 lên 12.000 đồng; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 lên 15.000 đồng và từ 40km trở lên tăng từ 9.000 lên 20.000 đồng.
Với vé tháng, mức tăng trung bình lên tới 40%. Học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng). Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).
Các đối tượng khác vé một tuyến là 140.000 đồng (hiện 100.000 đồng), vé liên tuyến 280.000 đồng (hiện 200.000 đồng).
Riêng người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt.
Sở Giao thông Vận tải nhấn mạnh việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt theo nguyên tắc phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân; tăng tính hấp dẫn dịch vụ vận tải hành khách công công bằng xe buýt; giúp người dân có nhiều lựa chọn về vé, đơn giản, thuận tiện trong lựa chọn và sử dụng vé; tạo nguồn thu bền vững từ vé đồng thời giảm bớt gánh nặng trợ giá của ngân sách Nhà nước.
Giảm mức trợ giá của Nhà nước
Lý giải về việc điểu chỉnh tăng giá xe buýt, phía Sở Giao thông Vận tải cho biết từ năm 2014 đến nay thành phố đã không điều chỉnh nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân. Thu nhập bình quân của người Hà Nội năm 2022 khoảng 8,4 triệu đồng, tăng 75% so với năm 2014.
“Giá vé xe buýt hiện nay được đánh giá là tương đối thấp với khả năng chi trả cho đi lại của người dân kể cả người lao động có thu nhập thấp, do vậy việc xây dựng lại cơ cấu vé và giá vé xe buýt là phù hợp trong giai đoạn này,” lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhìn nhận.
Theo tính toán, chi phí đi lại chiếm khoảng 10% tổng thu nhập, tương ứng mỗi người chi 800.000 đồng "là chấp nhận được". Trong những năm qua các yếu tố đầu vào phục vụ cho hoạt động xe buýt như giá nhiên liệu, tiền lương… tăng cao so với trước đây. Chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014.
Mặt khác, giai đoạn 2015-2019 đã trợ giá trung bình 1,371 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2020-2022 trợ giá trung bình 2.230 tỷ đồng/năm (riêng năm 2022 trợ giá là 2.991 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 trợ giá 2.754 tỷ đồng).
Trong đó, ngân sách thành phố Hà Nội hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể; miễn tiền vé với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đánh giá, cơ cấu vé và giá vé hiện nay chưa phù hợp với sự phát triển của mạng lưới tuyến. Tại thời điểm điều chỉnh giá vé năm 2014 mạng lưới tuyến có 72 tuyến và nhánh tuyến chưa phủ rộng khắp 30 quận, huyện, thị xã của thành phố, tuyến có cự ly dài nhất là 49,9km. Đến nay tại sau 9 năm thì mạng lưới các tuyến buýt có 132 tuyến phủ rộng khắp 30/30 quận, huyện, thị xã, tuyến cự ly dài nhất 61,05 km. Do đó, giá vé hiện nay của các tuyến có cự ly từ 30km đến 60km có mức giá như nhau là chưa phù hợp với cự ly di chuyển của hành khách.
Cách nào để thu hút người dân từ bỏ xe cá nhân để chọn đi buýt?
Mặc dù là phương tiện vận tải công cộng chủ lực của thành phố, xe buýt Hà Nội vẫn đang gặp các rào cản về hạ tầng khiến nhiều người dân vẫn chưa mặn mà chọn làm loại hình đi lại thường xuyên.
Nếu tăng như đề xuất, doanh thu bán vé tăng khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội dự báo khi mới tăng giá vé, số khách có thể giảm, nhưng vẫn đảm bảo doanh thu. Năm 2014, khi điều chỉnh giá vé, hành khách đi vé tháng giảm 3% nhưng doanh thu tăng 15%, vé lượt giảm 10%, doanh thu tăng 20%.
“Việc điều chỉnh giá vé xe buýt sẽ tác động không lớn đến thu nhập của đa số người dân sử dụng dịch vụ xe buýt và vẫn cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác. Đảm bảo giá vé phù hợp và công bằng cho hành khách sử dụng đối với chuyến đi có các cự ly ngắn và dài,” lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho hay./.
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, năm 2023, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách công cộng (bao gồm xe buýt và đường sắt đô thị) tại Hà Nội là 19,5%. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội.