Liên quan đến dư luận cho rằng, chất lượng môi trường không khí tại một số khu vực trên địa bàn Hà Nội sáng 5/10 bị ô nhiễm nghiêm trọng và Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ nhì thế giới, chiều 5/10, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết thông tin trên chưa chính xác, thiếu cơ sở khoa học và thực tế.
Cụ thể, căn cứ vào chỉ số chất lượng không khí đo được sáng 5/10 tại khu vực Đại sứ quán Mỹ ở phố Láng Hạ, quận Đống Đa, là 245, phía chân cầu Nhật Tân là 187, có thông tin trên các mạng xã hội và báo chí nhận định "không khí Thủ đô được xếp vào nhóm “rất không tốt cho sức khỏe,” từng được ví với “khí quyển ngày tận thế,” chỉ thấp hơn thành phố Ardhali Bazar của Ấn Độ, với chỉ số đo được là 471 và cao hơn rất nhiều so với những thành phố còn lại có số liệu được thống kê vào cùng một thời điểm.
Bởi theo đánh giá khoa học, khi chỉ số bụi PM 2.5 (bụi có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 2.5µm (micromet)) ở mức 201-300 là mức ô nhiễm cần phải cảnh báo tình trạng sức khỏe khẩn cấp. Tất cả mọi người đều cần hạn chế hoạt động ở bên ngoài lâu, người có vấn đề về hô hấp cần tránh ở bên ngoài."
Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia, các nhà khoa học khẳng định rằng kết quả đo và phân tích chất lượng không khí tại Thủ đô sáng 5/10 tại địa điểm trên chỉ là số đo trong một thời điểm, tại một địa điểm, chưa thể khẳng định toàn thành phố Hà Nội ô nhiễm, vì chỉ số có thể tăng giảm theo giờ.
Chỉ số nồng độ bụi PM2,5 đo được nêu trên chỉ là chỉ số cực hạn đột xuất ở thời điểm bất thường. Tính đến chiều 16 giờ 40 phút ngày 5/10, kết quả đo không khí ở khu vực Đại sứ quán Mỹ xuống ở mức 121.
Các chuyên gia cho biết để đánh giá chất lượng không khí của Hà Nội cần phải dựa trên kết quả đo kiểm tại nhiều điểm khác nhau và các thời điểm khác nhau trong ngày, phải lấy chỉ số trung bình đo của 24 giờ liên tục ngày đó làm đại diện. Nếu chỉ có thông tin quan trắc đo một điểm ở khu vực Đại sứ quán Mỹ chưa đủ căn cứ để đánh giá chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố.
Trong khi đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng không khí tại một số khu vực trên địa bàn Hà Nội ở mức độ ô nhiễm, đó là do tình trạng tắc đường, khí thải động cơ, cùng với việc khu vực ngoại thành đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch…
Thời gian qua, căn cứ quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường không khí đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt giai đoạn 2011-2020, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều tiến hành các chương trình quan trắc có liên quan đến chất lượng môi trường không khí.
Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí, độ ồn do giao thông tại 30 điểm nút giao thông và ô nhiễm bụi tại 94 điểm trong quý 1 vừa qua cho thấy, các chỉ số đo được đều vượt từ 1,1 đến 6,1 lần so với QCVN/BTNMT.
Còn theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, từ 70-90% ô nhiễm không khí đô thị là từ các hoạt động giao thông - vận tải; công nghiệp và sinh hoạt chỉ chiếm từ 10-30%.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết để đối phó với vấn đề ô nhiễm môi trường và đáp ứng các yêu cầu khi gia nhập Tổ chức thương mại và Tiêu chuẩn khí thải Euro (được áp dụng từ 01/01/2017), Hà Nội sẽ tập trung triến khai Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Tham gia lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe môtô khi tham gia giao thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Hà Nội khuyến khích chủ phương tiện sử dụng các loại nhiên liệu giảm thiểu ô nhiễm môi trường như xăng sinh học, xăng chứa Ethanon 5 (E5)… Đối với các nhà sản xuất cần đề xuất có giải pháp trong việc cải tiến động cơ.
Bên cạnh đó, Hà Nội triển khai đầu tư xây dựng các trạm quan trắc cố định tự động liên tục theo đúng quy hoạch mạng lưới quan trắc không khí cố định đã được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt./.