Hà Nội ký kết hợp tác với 14 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ

Thành phố Hà Nội đã ký kết hợp tác với 14 tỉnh, thành phố trong các lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải.
Đại diện 15 tỉnh, thành phố vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ ký kết thỏa hợp tác giai đoạn 2016-2020. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Chiều 27/12, trong khuôn khổ "Hội nghị hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ năm 2016" do thành phố Hà Nội tổ chức, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ký kết hợp tác với 14 tỉnh, thành phố tập trung vào các lĩnh vực: Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn, cấp thoát nước… thời gian tới.

Theo đó, việc ký thỏa thuận hợp tác của 15 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang), đã khẳng định sự nghiêm túc của các địa phương trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác một cách toàn diện, chặt chẽ, sâu rộng, quyết tâm phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội trở thành đầu tàu kinh tế, dẫn đầu khu vực miền Bắc và cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết biên bản hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực mà 15 tỉnh, thành phố ký kết đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực đổi mới phát triển và gắn kết các vùng thành chuỗi phát triển kinh tế bền vững của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô.

Đồng thời, thành phố Hà Nội cũng đề nghị các tỉnh, thành phố nhanh chóng cụ thể hóa các nội dung trong kế hoạch điều phối và biên bản hợp tác thành những nhiệm vụ cụ thể để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, động lực của mỗi địa phương và của toàn vùng trên nguyên tắc hài hòa về lợi ích, trách nhiệm và bình đẳng.

Cụ thể, là các địa phương cần kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản thực phẩm, đặc biệt rau an toàn và thực phẩm sạch. Việc xây dựng các chuỗi nông sản, thực phẩm liên tỉnh sẽ cơ bản kiểm soát được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như hướng đến môi trường sống an toàn.

Hà Nội và các địa phương trong vùng cần tỏ rõ quan điểm trong việc tự kiểm soát và chịu trách nhiệm về chất lượng khi cung ứng sản phẩm liên tỉnh. Thủ đô Hà Nội cam kết sẽ tạo nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh nông sản an toàn nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, việc kết nối cung cầu hàng hoá chính là cầu nối vững chắc, đưa hàng hoá của Hà Nội đến với Vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ và ngược lại.

Kết nối cung cầu còn giúp doanh nghiệp chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, đặc biệt khắc phục được tình trạng được mùa mất giá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương, hình thành các chuỗi liên kết kinh tế, cộng đồng phát triển bền vững.

Thủ đô Hà Nội luôn sẵn sàng đi đầu trong việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát ban hành, hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh và giao thương hàng Việt, nhất là khi lượng hàng hóa tiêu thụ sẽ tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sắp tới.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trong vùng cần tổ chức nhiều sự kiện hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội chợ du lịch liên tỉnh, trong quảng bá du lịch có sự kết hợp chặt chẽ giữa quảng bá giá trị di sản văn hóa các tỉnh, thành phố gắn với phát triển sản phẩm du lịch. Hà Nội cũng đề nghị các tỉnh, thành phố hàng tháng tổ chức 1 đêm văn hóa tại phố đi bộ Hoàn Kiếm để giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống, tạo sức hút về du lịch cho các địa phương trong vùng.

Điều quan trọng là thông qua những đêm văn hóa, người dân Hà Nội và du khách sẽ được tìm hiểu, có thêm kiến thức văn hóa về những vùng đất mới, con người mới và tiềm năng văn hóa du lịch mới, đây được coi là cách quảng bá văn hóa, du lịch hiệu quả.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô có vị trí, vai trò là vùng trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước. Do vậy, mỗi tỉnh, thành phố cần nỗ lực phấn đấu để phát triển kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển chung của cả nước và trợ giúp vùng khó khăn, từng bước đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN và trên trường quốc tế.

Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhiệm kỳ 2017-2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục