Chiều 22/5, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để tiến hành giám sát về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.
Đoàn giám sát đánh giá, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có nhiều cố gắng tham mưu các văn bản của thành phố trong chỉ đạo, điều hành liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của đơn vị.
Trong 5 năm, từ 2012-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thẩm định và trình thành phố quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 698 dự án với diện tích hơn 1.400ha.
Song, Đoàn giám sát cũng nhận định, so với yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục trong công tác quản lý đất đai như chậm tham mưu thành phố giải quyết những khó khăn, bất cập đối với những dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai; các dự án chậm triển khai còn nhiều nhưng chưa được cập nhật đầy đủ, toàn diện, thường xuyên và thống nhất với các địa phương.
Đáng lưu ý, việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra còn chưa kịp thời, thiếu kiên quyết; một số dự án đã được thành phố gia hạn cũng thiếu sự đôn đốc, nắm bắt tình hình thực hiện.
[Hà Nội: Sớm thanh tra để thu hồi những dự án đất chậm trễ]
Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin với các sở, ngành, địa phương liên quan trong kiểm tra, rà soát, kiến nghị xử lý các chủ đầu tư có dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai còn hạn chế, trách nhiệm của từng đơn vị chưa rõ ràng.
Không những vậy, Đoàn giám sát cho rằng, tiêu chí, quy trình, thủ tục gia hạn thời gian đối với các dự án chậm triển khai chưa được xây dựng và công khai, đảm bảo tính minh bạch để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Việc thực hiện kiến nghị giám sát của Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố năm 2012 và Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố năm 2015 tuy có nhiều cố gắng, song việc chuyển biến vẫn còn chậm, chưa khắc phục triệt để.
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, nguyên nhân chủ quan là phần lớn.
Bên cạnh sự thiếu chủ động, kiên quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong vai trò quản lý Nhà nước về đất đai tại một số thời điểm, do sự phối hợp với một số địa phương chưa tốt, do nhận thức và năng lực, trình độ cán bộ còn hạn chế nhất định thì cũng có nhiều chủ đầu tư dự án yếu kém về nguồn lực tài chính cũng như kinh nghiệm đầu tư.
Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đất đai và tập huấn, đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ cán bộ ngành tài nguyên, địa chính trước yêu cầu mới.
Cùng với đó là kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những bất cập trong quá trình quản lý cũng như địa phương kiến nghị; xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là hậu kiểm để kịp thời phát hiện những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả xử lý cán bộ.
Đặc biệt, Đoàn giám sát yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiên quyết tham mưu cho thành phố thu hồi những dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai; công khai các dự án vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; không giao dự án mới cho chủ đầu tư có dự án vi phạm Luật Đất đai.
Sở cũng cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, số hóa bản đồ toàn thành phố và cập nhật biến động hồ sơ địa chính kịp thời, cố gắng hoàn thành trong năm nay.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Đoàn giám sát, công tác quản lý đất đai luôn là vấn đề khó, phức tạp, được cử tri quan tâm nhiều nhất.
Cùng với việc khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô thời gian qua, việc lãng phí đất đai cũng bộc lộ ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp.
Do vậy, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã giám sát, chất vấn nhiều lần và tiếp tục thực hiện phương châm tái giám sát đến cùng trong năm 2018 để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch./.