Hà Nội kiến nghị đưa bóng cười vào danh mục kinh doanh có điều kiện

Năm 2019, các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 Hà Nội đã xử lý hành chính tới 31.246 vụ, tăng 2.597 vụ so với năm 2018, khởi tố hình sự 113 vụ đối với 141 đối tượng.
Hà Nội kiến nghị đưa bóng cười vào danh mục kinh doanh có điều kiện ảnh 1Tổng kết Ban chỉ đạo 389 Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhiều vấn đề về buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là hoạt động kinh doanh và sử dụng trái phép các mặt hàng như Shisha, bóng cười… tiếp tục là chủ đề nóng trên địa bàn thủ đô thời gian qua.

Đây cũng là một trong những vấn đề được các lực lượng chức năng của thành phố bàn thảo và giải quyết tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, tổ chức sáng 14/1.

Ảnh hưởng đến sức khỏe

Ông Nguyễn Anh Quân Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quận Hoàn Kiếm cho biết, từ cuối 2016-2017 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm bắt đầu xuất hiện tình trạng buôn bán kinh doanh trái phép khí N20 dưới dạng bóng cười, nguồn khi được mua từ các doanh nghiệp khí công nghiệp trên địa bàn thành phố nhưng chủ yếu núp bóng dưới dạng quán café và kinh doanh bóng cười.

Chỉ rõ những điểm nóng là phường Hàng Buồm (tuyến phố Đào Duy Từ, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện) và phường Lý Thái Tổ (trên tuyến phố Nguyễn Hữu Huân, Hàng Tre…) ông Quân đã thông tin còn khoảng 36 cơ sở trên địa bàn có biểu hiện kinh doanh trái phép bóng cười.

Đề cập đến vấn đề có thể gây nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là giới trẻ, ông Quân cho biết, Ủy ban quận Hoàn Kiếm đã thành lập 3 tổ liên ngành để thường xuyên kiểm tra xử lý các hoạt động kinh doanh shisha, bóng cười, đồng thời lên danh sách các cơ sở có dấu hiệu vi phạm để thường xuyên tuyên truyền và nhắc nhở việc chấp hành qui định của pháp luật.

Theo ông, qua điều tra cơ bản, lực lượng Quản lý thị trường và công an quận đã tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở trên địa bàn về việc không kinh doanh và sử dụng trái phép các mặt hàng trên. Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng mạnh tay hơn trong việc kiểm tra và xử phạt các cơ sở vi phạm.

Thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2019, lực lượng chức năng của quận Hoàn Kiếm đã  xử phạt hành chính các vi phạm liên quan đến kinh doanh trái phép bóng cười với số tiền hơn 930 triệu đồng, tịch thu hơn 132 bình khí N20 và nhiều quả bóng dùng để bơm khí cười với giá trị hàng vi phạm khoảng 252 triệu đồng.

Dù vậy, nhiều bất cập cũng nảy sinh khiến lực lượng chức năng khó có thể kiểm soát dứt điểm mặt hàng này, theo đó chế tài xử phạt còn nhẹ nên nhiều chủ cơ sở sẵn sàng nộp phạt sau đó tiếp tục tái phạm.

Chính vì vậy, ông Quân đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét đưa việc kinh doanh khí N20 vào danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện để quản lý, nâng chế tài xử phạt thậm chí là rút Giấy phép kinh doanh với các cơ sở tái phạm nhiều lần. Ngoài ra, cần đưa Shisha và danh mục sản phẩm thuốc lá nhập khẩu, kinh doanh có điều kiện để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng này.

- Các vụ việc xử lý của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội năm 2019:

Bám địa bàn để xử lý triệt để

Không chỉ những mặt hàng cấm như pháo nổ, ma túy hay chất gây nghiện mà hoạt động buôn bán hàng lậu và An toàn thực phẩm cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.

Tính trong năm 2019 vừa qua, các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 Hà Nội đã xử lý hành chính tới 31.246 vụ, tăng 2.597 vụ so với năm 2018, khởi tố hình sự 113 vụ đối với 141 đối tượng.

Bà Trần Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, kết quả này đã giúp thị trường được lành mạnh hơn cũng như tăng ngân sách cho thành phố.

Dù vậy, với con số trên 27.000 doanh nghiệp của Hà Nội, bà Lan đề nghị các cuộc kiểm tra cần đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến rõ nét hơn trong công tác chống buôn lậu thời gian tới.

Dẫn ví dụ từ sự biến động của mặt hàng thịt lợn, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho rằng có phản ánh về hiện tượng găm hàng của một số doanh nghiệp lớn, vì vậy nếu có sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng chắc chắn sẽ kiểm soát tốt hơn, hạn chế thấp nhất những biến động về giá đối với mặt hàng này.

Cùng với việc kiểm soát thị trường, bà Lan cũng đề nghị lực lượng Quản lý thị trường nắm chắc số doanh nghiệp trên địa bàn để từ đó hỗ trợ cho các cơ quản lý nhà nước nắm bắt được việc tuân thủ pháp luật cũng như việc cấp các giấy chứng nhận An toàn thực phẩm qua đó có thể giám sát, đôn đốc thường xuyên để doanh nghiệp chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

Đặc biệt với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện như gas, xăng dầu, khí hỏa lỏng…  hiện tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh còn thấp, do vậy bà đề nghị Quản lý thị trường phối hợp với các quận huyện để có thể dẩy mạnh việc cấp giấy, trường hợp không đủ điều kiện phải loại bỏ ngay.

“Chỉ còn gần 10 ngày nữa là Tết , cần có phương án để kiểm soát tốt thị trường không để hiện tưởng găm hàng trục lợi, qua đó đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng,” bà Lan đề nghị thêm.

Hà Nội kiến nghị đưa bóng cười vào danh mục kinh doanh có điều kiện ảnh 2Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong khi đó, đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế và Quản lý chức vụ (Công an Hà Nội) đề nghị các lực lượng địa bàn làm tốt công tác điều tra cơ bản, từ đó có thể bóc dỡ tận gốc cả đường dây, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Về phía lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị các lực lượng trong Ban chỉ đạo 389 nắm chắc tình hình thị trường để đưa ra giải pháp kịp thời đấu tranh hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Sơn đề nghị, các sở, ngành tăng cường đưa việc phổ biến pháp luật về sự nguy hại của việc buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thành một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tuyên truyền.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng thuộc Hà Nội, giữa các lực lượng chức năng Hà Nội với lực lượng chức năng Trung ương và các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt là các tỉnh biên giới để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Riêng mặt hàng bóng cười, ông kiến nghị Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo 389 quốc gia báo cáo Chính phủ sớm hoàn thiện các quy định pháp luật để từ đó kiểm soát tốt mặt hàng này, tránh những hiện tượng tiêu cực cũng như bảo vệ sức khỏe của người dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục