Ngày 5/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và Thành ủy về công tác phòng, chống dịch; để chủ động ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Cụ thể, toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp của thành phố phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.
Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, huy động toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp vào cuộc, bảo đảm kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng trên địa bàn thành phố.
[Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chống dịch thực chất, không hình thức]
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở hoặc các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, điều trị kịp thời.
Thành phố cũng tổ chức xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực có nguy cơ cao, trong đó lưu ý các khu vực có nhiều chuyên gia, khu công nghiệp..., và các đối tượng có nguy cơ (người từ vùng dịch về, người có các biểu hiện ho, sốt, khó thở...) để đánh giá nguy cơ dịch bệnh và đưa ra các giải pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả.
Chỉ thị nêu rõ dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, càphê vỉa hè.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.
Đối với nhà hàng ăn, uống phục vụ trong nhà, yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 1m giữa người với người hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.
Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong vận chuyển hành khách công cộng: Hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, có dung dịch để sát khuẩn tay; lập danh sách hành khách (họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ) đối với hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh; sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên xe.
Thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 tại hộ gia đình, chung cư, trường học, trụ sở làm việc, hội họp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy... theo Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 8/9/2020 của Bộ Y tế ban hành sổ tay hướng dẫn phòng, chống dịch tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới.
Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, karaoke, quán bar, vũ trường, game, Internet; các rạp, trung tâm chiếu phim; các cơ sở dịch vụ spa, massage, xông hơi, phòng tập gym; các hoạt động tập thể dục, thể thao, các sự kiện tập trung đông người tại khu vực công cộng, vườn hoa, công viên cho đến khi có chỉ đạo mới của Ban Chỉ đạo thành phố.
Thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị: Không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng: khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, không để đình trệ nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Các đoàn kiểm tra các cấp của thành phố tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện công tác phòng, chống dịch kết hợp với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại các địa phương.
Kiểm soát chặt chẽ các trường hợp cách ly và sau cách ly
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương. Trong đó, Sở Y tế được giao căn cứ vào đặc điểm, tính chất, cơ chế lây bệnh của chủng vi rút trên địa bàn thành phố, chỉ đạo phương án khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm theo ưu tiên mức độ cấp thiết phù hợp với từng đối tượng, khu vực; Hướng dẫn, phối hợp Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, kiểm tra, thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để khi phát hiện ca lây nhiễm, xuất hiện ổ dịch trên địa bàn.
Khi phát hiện ca bệnh dương tính, khẩn trương bao vây khoanh vùng, khử khuẩn những địa điểm liên quan theo quy định. Đồng thời, tổ chức truy vết “thần tốc”, xác định nhanh nhất những trường hợp liên quan đến tiếp xúc với ca bệnh để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định; cương quyết, dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh.
Đồng thời, rà soát, chuẩn bị nguồn lực và xây dựng các phương án để đáp ứng với tình hình dịch. Triển khai thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế cần thiết đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Công an thành phố Hà Nội được giao tiếp tục chỉ đạo công an quận, huyện, thị xã, công an xã phường thị trấn phối hợp với chính quyền địa phương, cơ sở y tế rà soát trong thời gian nhanh nhất những trường hợp có liên quan đến ca bệnh và những người đi từ các tỉnh, thành khác về Hà Nội theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng,” không bỏ sót để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch.
Quản lý xuất, nhập cảnh, người nước ngoài cư trú trên địa bàn, phát hiện những người nhập cảnh trái phép, đưa vào khu cách ly; xử lý nghiêm những cá nhân không khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực và các tổ chức, cá nhân liên quan tới việc đưa người, chứa chấp người nhập cảnh trái phép. Đặc biệt, sớm đưa ra xét xử những vụ án đưa người nhập cảnh trái phép.
Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chủ động bố trí số lượng phương tiện để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại bến xe, bến tàu, phương tiện giao thông công cộng, yêu cầu chủ phương tiện phải cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch khi hoạt động kinh doanh vận tải: Sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách 1 ghế và không vượt quá 50% số ghế ngồi được cấp phép, trên xe có nước sát khuẩn tay, hành khách và lái xe đeo khẩu trang.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra việc phòng, chống dịch trong trường học.
Xây dựng phương án dạy học phù hợp để bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thành phố. Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm công tác phòng, chống dịch trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, quản lý lễ hội; tuyên truyền, tổ chức thực hiện nếp sống văn hóa và các quy tắc ứng xử của thành phố, tham mưu, hướng dẫn các hoạt động văn hóa trên địa bàn đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch.
Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã được yêu cầu chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo xã, phường, thị trấn, các lực lượng chức năng, đặc biệt là tổ giám sát COVID-19 cộng đồng rà soát các trường hợp mắc, những người liên quan và những người đi từ các tỉnh, thành khác về Hà Nội theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng,” không bỏ sót để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch.
Yêu cầu các hộ gia đình có cam kết thực hiện khai báo y tế. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt việc truy vết tiếp xúc, quản lý chặt chẽ việc cách ly và sau cách ly, theo dõi y tế tại nhà. Quản lý tạm vắng, tạm trú, kịp thời phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép về cộng đồng, người về từ vùng dịch không khai báo y tế theo quy định.
Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường vận động nhân dân nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch.
Tiếp tục vận động, chăm lo, hỗ trợ cho người dân khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn thành phố; vận động, tổ chức tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả kinh phí, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch./.