Ngày 30/4, bắt đầu kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, trên địa bàn thành phố, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông gia tăng đột biến so với ngày thường.
Ghi nhận tại các nhà ga, cổng bệnh viện, bến xe khách như: Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình... tình hình trật tự, an toàn giao thông diễn ra khá phức tạp, thường xuyên xảy ra tình trạng tranh giành khách, chạy lòng vòng đón, trả khách để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Tại một số tuyến đường từ Thủ đô đi các tỉnh như Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La... có rất đông lưu lượng phương tiện tham gia giao thông.
Bên cạnh những phương tiện tuân thủ tín hiệu và chỉ dẫn giao thông thì còn có những phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đi lấn làn, phóng nhanh, chở quá số người quy định...
Trước tình trạng này, các đơn vị của Công an thành phố Hà Nội luôn bám chốt làm nhiệm vụ phân luồng giao thông, đồng thời xử lý nhiều lỗi vi phạm.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị mọi người khi tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong kỳ nghỉ lễ.
Người tham gia giao thông bằng xe ôtô cần chấp hành nghiêm quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 30/12/2019 (Sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị Định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/12/2021).
[Người dân ùn ùn rời Thủ đô về quê trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5]
Cụ thể, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành hướng dẫn của người điều khiển giao thông, hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông.
Đặc biệt, khi đi qua khu vực ùn tắc giao thông, các phương tiện phải chấp hành theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông, không được dừng, đỗ xe trái quy định làm cản trở giao thông.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện phải đi đúng phần đường, làn đường quy định; chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải đảm bảo an toàn; khi chuyển hướng rẽ hoặc vượt xe phải có tín hiệu báo trước, chỉ được vượt, chuyển hướng khi có đủ điều kiện an toàn; chấp hành các quy định về dừng, đỗ xe và quay đầu xe; đã uống rượu, bia thì không lái xe.
Đối với xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện phải có đăng ký và gắn biển kiểm soát theo quy định; người điều khiên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện phải chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và người điều khiển giao thông.
Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện phải đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng quy cách, điều khiển xe đi đúng phần đường, làn đường quy định, không đi vào đường cấm; không dừng, đỗ xe, tụ tập dưới lòng đường, hè phố sai quy định; phải có tín hiệu báo hướng rẽ khi chuyển hướng, chú ý quan sát để đảm bảo an toàn; không chở quá số người quy định; không lạng lách đánh võng trên đường.
Người đi bộ khi tham gia giao thông phải đi bộ trên hè phố, lề đường, nếu không có hè phố, lề đường thì đi sát mép đường và không vượt qua dải phân cách, cũng như không chạy đột ngột qua đường gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông khác.
Đối với người dân sống ven đường quốc lộ, người dân không họp chợ, mua bán hàng hóa trên đường bộ và đường sắt; không tụ tập đông người trái phép trên đường bộ; không thả rông súc vật trên đường bộ; nghiêm cấm việc tự ý mở đường ngang qua đường sắt.
Đáng chú ý, với những người tham gia giao thông khi đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung đường sắt, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy đảm bảo an toàn mới được đi qua.
Nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét, tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đi qua mới được đi.
Đối với người dân sống gần các bến đò, làng chài và một số xã ven sông Hồng, sông Đuống, Công an thành phố đề nghị thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định 139/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2021.
Cụ thể, người dân không tạo vật chướng ngại gây cản trở giao thông đường thủy nội địa và không đón, trả người hoặc xếp, dỡ hàng hóa không đúng nơi quy định; không xây dựng trái phép nhà, lều quán hoặc các công trình khác trên đường thủy nội địa và phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.
Theo Công an thành phố Hà Nội, an toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người. Việc chấp hành Luật Giao thông là thể hiện nét đẹp văn hóa của người tham gia giao thông góp phần giữ gìn đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô./.