Hà Nội không chủ quan dù nước sông Hồng đã rút xuống dưới mức báo động 2

Hiện nay, tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp, mực nước các sông vẫn ở mức cao. Do vậy, việc tuần tra, canh gác đê điều tại một số địa phương không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác.

Đến sáng 12/9, mực nước sông Hồng đang hạ dần sau khi đạt đỉnh đêm 11/9. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Đến sáng 12/9, mực nước sông Hồng đang hạ dần sau khi đạt đỉnh đêm 11/9. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, mực nước sông Hồng tại Hà Nội hồi 7 giờ ngày 12/9 là 13,23m, dưới mức báo động 2 (mực nước báo động 2 là 13,40 m).

Để đảm bảo an toàn cho người dân, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp, mực nước các sông vẫn ở mức cao. Do vậy, việc tuần tra, canh gác đê điều tại một số địa phương không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác, nghiêm túc thực hiện theo quy định.

Để đảm bảo an toàn đê điều, chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của mưa lũ, hạn chế thiệt hại, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã tập trung tăng cường kiểm tra; tổ chức lực lượng và nghiêm túc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều; kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố thiên tai ngay từ đầu theo phương châm “4 tại chỗ” và báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện thị, xã cần tăng cường kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các điểm canh đê; chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để có thể tổ chức thường trực trên điểm canh như dọn dẹp sạch sẽ, phát quang cây cỏ dại trong phạm vi điểm canh; rà soát bổ sung trang bị các dụng cụ, sổ sách và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội tuần tra, canh gác...

Đồng thời Ban chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân thành phố nếu để xảy ra sự cố mất an toàn đê điều do không thực hiện việc tuần tra, canh gác, bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Phân luồng giao thông tại điểm ngập trên đường 413 (88 cũ)

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có phương án phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí bị ngập úng trên tuyến đường thuộc địa bàn thị xã Sơn Tây. Thời gian thực hiện từ 9 giờ ngày 12/9 cho đến khi có thông báo khác.

vnp cau chuong duong-long bien3.jpg
Sông Hồng. (Ảnh: Tu Quy Duong/Vietnam+)

Đường 413 (88 cũ) thị xã Sơn Tây bị ngập sâu trung bình từ 45 - 50 cm, không đảm bảo giao thông an toàn cho các phương tiện lưu thông đoạn từ Km3+100 đến Km3+400 và Km6+520 đến Km6+820.

Theo đó, phương án phân luồng giao thông như sau: Cấm các phương tiện lưu thông qua đoạn tuyến. Các phương tiện có nhu cầu lưu thông qua khu vực trên theo lộ trình: Hướng Sơn Tây đi hồ Suối Hai theo đường 414 (87A cũ) tại Km14+300 - Đường 414C (86 cũ) tại Km3+00 - Đường 413 (88 cũ) và ngược lại.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải bố trí lực lượng Thanh tra giao thông và các phương tiện cứu hộ, cứu nạn trực bảo đảm an toàn giao thông 24/24 giờ tại các vị trí ngập úng theo phương án phân luồng tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn giao thông của Sở Giao thông vận tải.

Thanh tra Sở phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố và các lực lượng chức năng, chính quyền Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây tổ chức phân luồng giao thông từ xa trên các tuyến đường lân cận xung quanh khu vực bị ngập úng, không để tình trạng mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông xảy ra.

Đơn vị thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình giao thông, phạm vi ngập úng trên các tuyến đường và khu vực lân cận để kịp thời phát hiện, đề xuất phương án phân luồng tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn giao thông cho phù hợp...

Sở đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đưa ra phương án tăng cường bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; đặc biệt là các công trình cầu vượt sông, trước những chướng ngại vật có thể gây ra sự cố nghiêm trọng.

Sở đề nghị, Cục Đường thủy nội địa thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời phối hợp, thông báo và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến chướng ngại vật như sà lan, tàu thuyền trôi dạt tự do trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia (sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy, sông Công, sông Cầu) va trôi vào các cầu vượt sông.

Khi xuất hiện các chướng ngại vật có nguy cơ đâm, va vào các cầu vượt sông, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thông báo ngay cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội để có phương án bảo đảm an toàn cho cầu và người dân, phương tiện.

Cục chủ trì phối hợp, hướng dẫn Sở và địa phương trong bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa tại các cảng thủy, bến thủy nội địa, đặc biệt là các bến khách ngang sông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục