Những cụm từ đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng, đầu tư nhanh hạ tầng giao thông được phía thành phố Hà Nội nhắc lại nhiều lần trong Kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố năm 2021 sẽ là cơ sở đồng bộ để hiện thực hóa mục tiêu về giao thông trong năm tới.
Ưu tiên phát triển vận tải công cộng
Tại kế hoạch trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đặt mục tiêu vận tải hành khách công cộng đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả, phấn đấu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng trong năm 2021 đạt 17-18% đồng thời vận động nhân dân tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông.
Để hiện thực hóa, thành phố sẽ thực hiện mở mới đối với các tuyến buýt nằm trong kế hoạch mở mới năm 2021 từ 45-55 tuyến (năm 2020 chuyển sang 30 tuyến và dự kiến mở mới thêm 15-25 tuyến buýt mới); mở rộng vùng phục vụ của xe buýt tới khu vực ngoại thành, các đô thị mới, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, trường học...; phát triển thêm các tuyến buýt kế cận để giảm phương tiện cá nhân từ các tỉnh lân cận vào thành phố; điều chỉnh tần suất xe buýt phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân, thu hút người dân sử dụng xe buýt; nghiên cứu, triển khai tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến trục đủ điều kiện; rà soát, tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các nút, các tuyến phố không cho xe ôtô hoạt động.
[Phó Thủ tướng: Sẽ không giảm được ùn tắc khi xe cá nhân gia tăng nhanh]
Song song đó, Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải để chuẩn bị mọi điều kiện để tiếp nhận, quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông; tổ chức hợp lý hóa mạng lưới xe buýt để tăng cường tính kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và tuyến Nhổn-ga Hà Nội sau khi đi vào hoạt động.
Ngoài việc đặt tham vọng tỷ lệ phương tiện sử dụng năng lượng sạch tối thiểu 5-20%, thành phố Hà Nội cũng khống chế số lượng xe taxi, xe hợp đồng trong năm 2021.
Cụ thể, thành phố tính toán phát triển số lượng xe taxi một cách hợp lý (19.265 xe), đảm bảo theo đúng quy định và nhu cầu sử dụng; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ taxi; số lượng xe hợp đồng du lịch dưới 9 chỗ ngồi khoảng 47.335-56.735 xe được quản lý, bố trí điểm dừng đón trả khách cho xe hợp đồng đưa đón công nhân, cán bộ công nhân viên và học sinh; thông báo danh sách các xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng, biển hiệu xe ôtô vận tải khách du lịch đến địa phương.
Đổi với loại hình xe liên tỉnh, Hà Nội bố trí các phương tiện tham gia khai thác các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh phù hợp nhu cầu và hướng tuyến vào các bến xe; tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải trong công tác điều chỉnh hành trình các tuyến xe khách liên tỉnh đi qua Thủ đô.
Đầu tư khép kín hạ tầng giao thông
Ngoài giải pháp đẩy mạnh vận tải công cộng, khống chế số lượng xe cá nhân, thành phố cũng thực hiện song song việc tập trung thúc tiến độ các công trình giao thông trọng điểm như đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội; các tuyến đường vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục), vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy-Chợ Mơ-Ngã Tư Vọng), vành đai 2,5 (đoạn từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A); các trục đô thị xây dựng đường Văn Cao-Hồ Tây (hoàn thiện hạng mục vỉa hè, cây xanh), Quốc lộ 1A (Ngọc Hồi-Thường Tín), đoạn tuyến đường nối từ cầu Nhật Tân đến đường Thanh Niên (đi ngoài đê sông Hồng và nút giao An Dương, quận Tây Hồ); đường trục phía Nam, đường 70, tuyến Núi Trúc-Sơn Tây; Liễu Giai-Núi Trúc, đường nối từ cầu Mỗ Lao đến cầu Đôi.
“Hà Nội đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án các tuyến đường sắt đô thị; đẩy manh xã hội hóa đầu tư xây dựng các bến xe liên tỉnh theo quy hoạch để từng bước thực hiện lộ trình di chuyển các bến xe ra ngoài trung tâm thành phố, không để xe ôtô khách ngoại tỉnh đi sâu vào nội đô gây ùn tắc giao thông; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông tĩnh tại khu vực trung tâm,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông trên các tuyến đường, nút giao thông phù hợp với thực tế và lưu lượng giao thông tại từng thời điểm (điều chỉnh làn, tuyến, vạch son, biển báo, pha đèn, dừng đỗ, vị trí dừng xe buýt hợp lý...), giảm ùn tắc giao thông; tăng cường xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông; ứng dụng tăng cường công tác duy tu, duy trì hạ tầng giao thông…khoa học công nghệ trong công tác quản lý, điều hành giao thông.
['Xây dựng mỗi con đường trở thành một trục phát triển kinh tế, đô thị']
Thành phố giao các quận, huyện kiên quyết không để phát sinh thêm các lối đi tự mở đường sắt, xây dựng từng bước đóng các lối đi tự mở trên địa bàn quản lý; có giải pháp bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt giữa đường sắt với các tuyến đường do địa phương quản lý; tố chức trực cảnh giới đối với các lối đi tự mở tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch thành phố khi để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn quản lý.
“Thành phố cam kết tiếp tục kiềm chế giảm từ 5-10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt (cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2020; không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; giảm tai nạn giao thông do nguyên nhân uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông; tập trung giải quyết từ 8-10 điểm ùn tắc giao thông; không để tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; xử lý kịp thời những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc mới; xử lý, khắc phục các điểm đen về tai nạn giao thông,” Chủ tịch Chu Ngọc Anh đề ra chỉ tiêu./.