Hà Nội: Khởi tố 6 đối tượng sản xuất, mua bán giấy tờ giả qua mạng xã hội

Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng đã sử dụng căn cước công dân giả và tạo tài khoản online trên hệ thống ngân hàng nhằm thực hiện các giao dịch chuyển tiền.
Đối tượng Nguyễn Duy Quang. (Ảnh: TTXVN phát)

Cơ quan Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 6 đối tượng sản xuất, mua bán giấy tờ giả qua mạng xã hội.

Các đối tượng bao gồm Nguyễn Duy Quang (sinh năm 1989) trú tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm; Trương Bình Nguyên (sinh năm 1997), Lê Đình An (sinh năm 1997) cùng trú tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; Lê Đình Tiệp (sinh năm 1997) trú tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; Bùi Văn Bình (sinh năm 1997) trú tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Đình Hoàng (sinh năm 1998) trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, để điều tra về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.”

Theo Thượng tá Đặng Mạnh Cường, Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm, qua công tác trinh sát, nắm tình hình địa bàn, Đội Cảnh sát hình sự phát hiện thông tin về một số đối tượng hoạt động mua bán giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ của một số cơ quan, tổ chức để phục vụ cho việc nộp hồ sơ xin việc làm tại một số cơ quan, doanh nghiệp.

Các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi và câu kết thành đường dây, sử dụng các ứng dụng trên không gian mạng để hoạt động vi phạm pháp luật.

Các đối tượng khác trong đường dây. (Ảnh: TTXVN phát)

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Nguyễn Duy Quang, Tổ công tác Công an quận Nam Từ Liêm thu giữ 2 máy in, 1 máy tính, 1 máy photocoppy, 1 máy ép plastic; 11 con dấu của các trường Đại học, Cao đẳng và Văn phòng công chứng; 1.388 phôi bằng tốt nghiệp, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp Đại học, bằng kỹ sư, bằng cử nhân, bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, chứng chỉ ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp, giấy phép lái xe và 156 bộ văn bằng chứng chỉ giả đã hoàn thiện.

Thủ đoạn của các đối tượng là tạo tài khoản Facebook giả để tìm người có nhu cầu mua văn bằng, chứng chỉ giả.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng đã sử dụng căn cước công dân giả và tạo tài khoản online trên hệ thống ngân hàng nhằm thực hiện các giao dịch chuyển tiền.

Với phương thức trên, từ tháng 6/2023 cho khi bị bắt giữ, các đối tượng đã bán hơn 1.000 văn bằng chứng chỉ giả, thu về hơn 1,5 tỷ đồng.

Vụ việc đang được xử lý theo quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục