Hà Nội: Khó kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trên chợ trực tuyến

Theo quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, các chợ bán hàng online đang phát triển mạnh, thu hút đông đảo người tiêu dùng nhưng việc kiểm soát chất lượng hầu như chưa được quản lý chặt chẽ.

Chợ hàng hóa dịp Tết thu hút đông đảo người tiêu dùng. (Ảnh minh họa. Nguồn: Forbes)
Chợ hàng hóa dịp Tết thu hút đông đảo người tiêu dùng. (Ảnh minh họa. Nguồn: Forbes)

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 thị trường hàng hóa bắt đầu sôi động. Không chỉ tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị hay các chợ truyền thống, mà trên chợ trực tuyến (online) cũng rất nhộn nhịp, thu hút đông đảo người tiêu dùng tham gia mua sắm.

Các doanh nghiệp bán lẻ cũng nắm bắt xu hướng này để phục vụ người dân một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất và giá cả hợp lý nhất.

Tuy nhiên, để kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trên các chợ bán hàng online vẫn là vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết các sàn thương mại điện tử đã triển khai nhiều chương trình thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cũng như liên kết với các tỉnh, thành xây dựng các gói chương trình hàng Việt, các chương trình ưu đãi như cung cấp voucher tích lũy, voucher giảm giá và mã miễn phí vận chuyển, các chương trình ưu đãi riêng cho khách hàng thanh toán trực tuyến… để hỗ trợ người tiêu dùng mua được sản phẩm cần thiết, giá hợp lý.

Năm nay, Hà Nội dự trữ 40.900 tỷ đồng đối với mặt hàng thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân ở trên địa bàn. Các siêu thị cũng đảm bảo giờ mở cửa trước, trong và sau Tết đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân.

Cùng với đó, Hà Nội đã cấp phép cho gần 192 xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24/24h trong khu vực nội thành để đảm bảo lưu thông thông suốt hàng hóa phục vụ nhân dân trong dịp Tết.

Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân trong dịp trước trong và sau Tết với giá cả ổn định, hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ, Hapro đã sớm xây dựng Kế hoạch triển khai chương trình kinh doanh phục vụ một cách đồng bộ với tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Hapro cũng tập trung vào các sản phẩm do các đơn vị của Hapro sản xuất như gạo Hapro Đồng Tháp; hạt điều rang Hapro; các sản phẩm rượu vang Thăng Long; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói, thịt gà, thịt ba chỉ xông khói; bộ sản phẩm giò lụa, giò bò, giò gà...

Các mặt hàng bình ổn được bày bán tại 57 điểm bán hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội mang thương hiệu BRGMart, Haprofood.

Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi, bình ổn giá, trợ giá bán hàng không lợi nhuận cho người dân.

ttxvn_hang tet.jpg
Đa dạng hàng hóa được bày bán tại Siêu thị BRGMart Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Hệ thống siêu thị của Hapro sẽ bán hàng đến 18 giờ ngày 30 Tết và mở cửa trở lại vào 8 giờ ngày mùng 3 Tết.

"Song song với kênh bán hàng truyền thống, Tổng công ty Thương mại Hà Nội cũng đẩy mạnh kinh doanh qua các kênh như website, facebook, zalo, viber...; xây dựng chính sách giao hàng tại nhà, tận nơi trong thời gian nhanh nhất, giúp người tiêu dùng mua sắm tiện lợi nhất mà giá không thay đổi," bà Đỗ Tuệ Tâm thông tin.

Tuy nhiên, các chợ bán hàng online đang phát triển mạnh thu hút được đông đảo người tiêu dùng nhưng việc kiểm soát chất lượng hầu như chưa được quản lý chặt chẽ.

Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đề nghị ngành công thương cần có biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh online chặt chẽ hơn, qua đó tạo điều kiện cho siêu thị, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ.

Trong khi hàng hóa bán trên chợ online rất phong phú, như bánh kẹo, rượu, hoa quả, giỏ quà tặng, thực phẩm tươi sống đến chế biến sẵn hay gia vị khô được người bán đăng tải công khai, chào mời với những cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng thực tế người tiêu dùng cũng chỉ mua bán "bằng niềm tin."

Đặc biệt, nhiều mặt hàng được chào bán dưới mác quà quê, đặc sản vùng miền kèm những lời mời chào như: “Tiện chuyến về quê, em gom giò bê Nghệ An hay xúc xích, lạp sườn Sơn La, gà đồi Phú Thọ... hay “Sale mạnh hàng đồ uống phục vụ Tết, bia Bỉ, vang Pháp... giá hợp lý, các bác cứ lấy cả thùng về dùng dần...”

Chị Bùi Hằng Trang, nhân viên văn phòng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Nông sản Nam Bình cho biết sau một thời gian mua hàng online, chị thấy rằng nhiều người bán hàng thường quảng cáo quá lên so với thực tế, thậm chí còn giao bán với kiểu nhập nhèm câu chữ, tên gọi khiến khách hàng dễ bị hiểu lầm.

Theo chị Trang, đây chính là nơi tiêu thụ một lượng lớn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Theo Cục Quản lý Thị trường Hà Nội, việc tiếp cận, kiểm soát và kiểm tra điểm kinh doanh bán hàng tại các chung cư gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều đối tượng kinh doanh lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ… nên việc xác minh, truy tìm xử lý vụ việc còn gặp không ít trở ngại.

Để kiểm soát kinh doanh online, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng để truy vết, phát hiện, bóc gỡ những đường dây, ổ nhóm lợi dụng thương mại điện tử, các hình thức giao dịch chào bán hàng hóa qua mạng xã hội để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền cho người tiêu dùng nâng cao nhận thức, ý thức, không sử dụng hàng giả, hàng nhái, cách phân biệt hàng hóa thật-giả.

Về phía Sở Công Thương Hà Nội cũng đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động thương mại điện tử phù hợp, hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua…

Năm 2024, ngành công thương Hà Nội sẽ triển khai hiệu quả lĩnh vực thương mại điện tử qua việc nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp trên địa bàn; triển khai các sự kiện thường niên nhằm tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; tăng cường công tác kiểm tra về chất lượng hàng hóa trên môi trường kinh doanh mạng, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thành phố Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra, thanh tra các cơ sở chế biến thực phẩm.

Thực tế đã có những cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm bị xử phạt. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa mua bán trên kênh thương mại điện tử vẫn là thách thức lớn với cơ quan chức năng.

Vì vậy, trong kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, ngành chức năng đã chú trọng truyền thông, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như hệ thống kiến thức về lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn đến người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục