Hà Nội: Huyện Thanh Trì tháo gỡ "điểm nghẽn" giải phóng mặt bằng

Đến thời điểm này, huyện Thanh Trì, Hà Nội, đã tháo gỡ được "điểm nghẽn" giải phóng mặt bằng sau gần 15 năm triển khai Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi.
Lực lượng chức năng huyện Thanh Trì (Hà Nội) tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của 16 hộ dân xã Ngọc Hồi do không chấp hành quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Theo kế hoạch, trong 2 ngày (21-22/11), các đơn vị chức năng của huyện Thanh Trì, Hà Nội, sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 18 hộ dân cuối cùng để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi.

Nhưng, nhờ sự tuyên truyền, vận động, thuyết phục của các cấp chính quyền, đoàn thể huyện Thanh Trì, đến ngày 20/11, toàn bộ 18 hộ dân xã Liên Ninh đã đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo phương án phê duyệt và viết đơn cam kết tự tháo dỡ công trình, sớm bàn giao mặt bằng cho dự án.

Hiện, một số hộ dân đã nhận tiền, tháo dỡ xong và làm các thủ tục bàn giao mặt bằng.

Như vậy, đến thời điểm này, huyện Thanh Trì đã tháo gỡ được "điểm nghẽn" giải phóng mặt bằng sau gần 15 năm triển khai Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi. Kết quả này thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm của Thường trực Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì trong khâu giải phóng mặt bằng, đặc biệt đối với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông đô thị quan trọng của huyện; trong đó, Bí thư Huyện ủy trực tiếp là Trưởng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; các Phó Bí thư Thường trực, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện làm Phó Trưởng Ban.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong cho biết ngay sau khi dự án được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt, năm 2012-2013, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì triển khai ngay giải phóng mặt bằng, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và bàn giao 92.674,65m2 đất "sạch" cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội xây dựng công trình và đã đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, phần diện tích đất còn lại gồm 93.072,35m đất, với 806 phương án đất và công trình trên đất của 806 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức thuộc địa bàn 4 xã là Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi, Liên Ninh, đến thời điểm tháng 11/2024, vẫn còn 88 hộ dân không đồng thuận khiến dự án vướng mắc, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Xác định nhiệm vụ giải phóng mặt bằng rất lớn, trên địa bàn huyện còn nhiều dự án phải thực hiện trong thời gian tới, tại các cuộc họp triển khai phương án tổ chức tuyên truyền, vận động, đối thoại, thuyết phục và cưỡng chế thu hồi đất phục vụ thi công dự án, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong luôn khẳng định, trên tinh thần giải quyết có lợi nhất cho nhân dân nhưng nhiệm vụ giải phóng mặt bằng phải đảm bảo quyết liệt và hiệu quả. Biện pháp hành chính là cưỡng chế-biện pháp cuối cùng phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, các tổ rà soát kỹ lưỡng từng hộ gia đình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân cho đến phút cuối trước khi cưỡng chế.

Hộ dân xã Ngọc Hồi chấp hành bàn giao mặt bằng để thi công Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi. (Ảnh: Linh Khánh/TTXVN phát)

Lý giải nguyên nhân khiến quá trình triển khai dự án kéo dài hàng chục năm, theo lãnh đạo huyện Thanh Trì do việc xác định nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn, quá trình quản lý hồ sơ địa chính đối với toàn bộ khu đất dọc đường Quốc lộ 1A các xã cập nhật không đầy đủ; nguồn gốc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân phức tạp như đất được giao không đúng thẩm quyền, đất lấn chiếm, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất qua nhiều chủ sử dụng...

Từ thực trạng tồn tại, vướng mắc phức tạp trên cho thấy việc hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi khẳng định vai trò của các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng. Qua đó, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong việc tuyên truyền, vận động người dân và phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên thực hiện tốt Luật dân chủ ở cơ sở, chấp hành chủ trương thu hồi đất phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn huyện.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Thanh Trì, cho biết ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, các xã đã thực hiện đầy đủ, công khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, ban hành quy chế dân chủ và công khai trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng; nêu cao tinh thần chủ động tuyên truyền, vận động người dân ở khu vực phải thu hồi đất tự nguyện bàn giao mặt bằng. Tại nhiều xã, tinh thần đồng thuận của bà con rất cao; song, đối với những hộ chưa bàn giao, các tổ công tác đã tích cực tuyên truyền, vận động trước khi thực hiện biện pháp hành chính.

"Đối với những hộ dân buộc phải tiến hành cưỡng chế vừa qua, các lực lượng chức năng của huyện đã thực hiện cẩn trọng theo đúng quy trình, quy định của pháp luật và không gặp phải sự chống đối của các hộ dân," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong cho biết.

Thanh Trì là một trong những huyện đầu tiên vừa được đón nhận Nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 1507/QĐ-TTG ngày 30/9/2024 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và là một trong bốn huyện xây dựng đề án Huyện lên Quận trong năm 2025.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Thanh Trì xác định việc xây dựng hạ tầng khung là ưu tiên hàng đầu và công tác giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng giao thông đô thị là đặc biệt quan trọng; trong đó, Quốc lộ 1A là tuyến đường giao thông trọng điểm và huyết mạch của huyện Thanh Trì và thành phố Hà Nội.

Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi hoàn thành góp phần khớp nối đồng bộ hệ thống giao thông của thành phố với các tỉnh, thành phía Nam, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nâng cao năng lực phục vụ của tuyến đường, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng trọng điểm phía Nam; đồng thời tạo đà phát triển để huyện Thanh Trì hoàn thành đề án xây dựng huyện thành quận, các xã thành phường đến năm 2025.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 47 dự án phải thực hiện giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 637.197,91m2; trong đó, có 34 dự án đủ điều kiện giải phóng mặt bằng, 13 dự án chưa đủ điều kiện giải phóng mặt bằng.

10 tháng năm 2024, huyện Thanh Trì đã hoàn thành giải phóng mặt bằng của 10 dự án; phê duyệt phương án thu hồi đất được một phần của 20 dự án, đạt 130% so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

Đối với các dự án đủ điều kiện thực hiện giải phóng mặt bằng, huyện phấn đấu đến ngày 31/12 tới, cơ bản hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của 24/24 dự án; hoàn thành chỉ tiêu giải ngân của năm 2024. Theo đó, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, các dự án đường giao thông để tạo nguồn lực kinh tế của huyện.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) Nguyễn Xuân Phong chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Đối với các dự án chưa đủ điều kiện, Ủy ban Nhân dân huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị và phòng ban chuyên môn tham mưu ban hành thông báo thu hồi đất và thực hiện giải phóng mặt bằng.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong, năm 2025, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì quyết tâm hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với 2 dự án trọng điểm mang tính đột phá và là tuyến đường huyết mạnh, xương sống. Đó là Dự án xây dựng đường vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La-Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ và Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông-Văn Điển-nút giao Tứ Hiệp.

Huyện Thanh Trì kiên quyết áp dụng các biện pháp hành chính bắt buộc đối với những trường hợp cố tình chống đối, chây ỳ không thực hiện bàn giao mặt bằng khi huyện đã thực hiện đầy đủ các chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định và được tuyên truyền nhiều lần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục