Sáng 17/11, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Hợp tác phát triển giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.
Phát biểu chào mừng Hội nghị ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Đồng bằng sông Hồng là vùng kinh tế trọng điểm, giàu tiềm năng và là một trong năm vùng quan trọng của cả nước. Trong đó, Hà Nội là nền kinh tế trọng điểm của cả nước và vùng Đồng bằng sông Hồng. Vì vậy, việc hợp tác phát triển, lấy Hà Nội là trung tâm, tạo động lực trong việc thu hút đầu tư, tiêu thụ sản phẩm đang hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước khó khăn như hiện nay.
Thời gian qua những chương trình hợp tác của Hà Nội đã góp phần rất tích cực trong việc triển khai nhiều dự án với các tỉnh liên quan. Lãnh đạo Hà Nội đã trực tiếp đến 28 tỉnh thành làm việc để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bí thư Phạm Quang Nghị đề nghị, sau hội nghị cần có những chương trình hành động cụ thể, trong đó cần thiết phải ký kết thỏa thuận hợp tác và có những quy định khung để làm cơ sở thuận tiện cho các hoạt động tiếp theo.
Vùng đồng bằng sông Hồng có 20 triệu dân, những năm gần đây nộp ngân sách bình quân trên 250 ngàn tỷ đồng mỗi năm, bằng 36% thu ngân sách toàn quốc. Trong đó, Hà Nội với số thu ngân sách gần 140 ngàn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn vùng đồng bằng sông Hồng năm 2012 ước đạt gần 410.000 tỷ đồng, bằng 89% kế hoạch năm; trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm 32,3%, vốn FDI chiếm 41%, vốn huy động khác chiếm 26,7%.
Nhiều đại biểu là lãnh đạo đứng đầu các tỉnh đều chia sẻ, việc hợp tác với Hà Nội là hết sức cần thiết, bởi đây là thành phố lớn, tập trung đông người, có nhiều cơ quan trung ương đóng trên địa bàn và nhiều doanh nghiệp lớn đang là cầu nối thực sự để giúp các tỉnh triển khai nhiều dự án thuận tiện, nhanh chóng, nhất là các dư án xây dựng, giao thông, phát triển du lịch và thu hút khách quốc tế.
Cụ thể, Hà Nội phối hợp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng triển khai các dư án phát triển giao thông vận tải; phối hợp với Hải Phòng, Quảng Ninh trong việc thực hiện khuôn khổ hai hành lang, một vành đai kinh tế; phối hợp với tỉnh Ninh Bình, Hà Nam rà soát, đối chiếu thông tin quy hoạch tuyến đường từ ngôi chùa lớn bậc nhất khu vực Bái Đính đi Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình; phối hợp với tỉnh Hưng Yên triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đoạn đường 179 từ dốc đê Văn Giang đến bến phà Văn Đức đi Gia Lâm (Hà Nội); phối hợp với Vĩnh Phúc xây dựng hạ tầng kỹ thuật tuyến đường vành đai như tuyến đường trục giao thông chính Trung tâm đô thị Mê Linh nối với vành đai 3, vành đai 4 của Hà Nội. Ngoài ra Hà Nội còn phối hợp với nhiều tỉnh đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến xe liên tỉnh, thành phố; xử lý khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường các dòng sông lớn.
Ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết: Ninh Bình là tỉnh xuất phát điểm thấp trong vùng, nhưng một thời gian ngắn đã trở thành tốp mạnh, nhờ biết phát huy lợi thế, được sự hợp tác từ bên ngoài, đặc biệt là thành phố Hà Nội. Vì vậy, Ninh Bình hiện là tỉnh có tiềm năng và phát triển du lịch mạnh hàng đầu không chỉ trong vùng mà của cả nước.
Tới đây các tỉnh cần thực hiện 5 giải pháp, trong đó tỉnh Ninh Bình rất quan tâm đến giải pháp tạo các tour tuyến du lịch để du khách đến các điểm thuận tiện. Cần nhấn mạnh mỗi năm làm những việc gì một cách cụ thể
Tại hội nghị các đại biểu cũng nêu lên nhiều băn khăn, khó khăn bất cập, trong việc hợp tác các tỉnh trong vùng trong thời gian qua vẫn có những hạn chế nhất định, nhất là vẫn còn tình trạng các tỉnh trong vùng mạnh ai nấy làm, dẫn tới các dự án chưa mang lại hiệu quả cao và chỉ mới phát triển cục bộ, chưa có tầm ảnh hưởng và lợi ích lớn cho cả vùng. Vì vậy, có những dự án giao thông chưa liên hoàn, có những khu du lịch lớn chưa được liên kết để thu hút khách…/.
Nguyễn Văn Cảnh (Vietnam+)