Hà Nội: Hơn 1.500 người tham gia đi bộ vì người khuyết tật

Sáng 29/11, chương trình đi bộ "Vì một thế giới hòa nhập cho người khuyết tật," tổ chức ở vườn hoa Lý Thái Tổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hà Nội: Hơn 1.500 người tham gia đi bộ vì người khuyết tật ảnh 1Một người khuyết tật ở Quảng không đầu hàng số phận, cố gắng vươn lên trong cuộc sống. (Ảnh: Võ Thị Dung/TTXVN)

Sáng 29/11, chương trình đi Bộ "Vì một thế giới hòa nhập cho người khuyết tật" đã được tổ chức tại vườn hoa Lý Thái Tổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chương trình do Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và một số đơn vị liên quan tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Kieng Soe Park, Chủ tịch Diễn đàn Người khuyết tật châu Á-Thái Bình Dương năm 2014 và hơn 1.500 đại biểu đại diện các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, người khuyết tật trong và ngoài nước đã tham dự chương trình.

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam luôn quan tâm, bảo đảm các quyền và thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật vào đời sống xã hội. Hệ thống luật pháp, chính sách đối với người khuyết tật ngày càng được hoàn thiện. Đáng chú ý, năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật người khuyết tật, Chính phủ, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp tục ban hành nhiều chính sách, đề án, dự án cụ thể để thực hiện.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã cam kết tham gia đầy đủ tích cực các chương trình quốc tế và khu vực. Tháng 7/2007, Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Ngày 28/11, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn công ước này...

Cuộc sống của người khuyết tật từng bước được cải thiện, được trợ giúp pháp lý, được tạo điều kiện tiếp cận với các công trình xây dựng, tham gia giao thông, văn hóa, thể thao, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, công nghệ thông tin và nhiều lĩnh vực khác; đặc biệt là đối với phụ nữ khuyết tật, trẻ em khuyết tật đã được quan tâm hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Trợ giúp của Nhà nước và xã hội cũng như sự hỗ trợ, chia sẻ của bạn bè quốc tế đã tạo điều kiện giúp người khuyết tật tự tin hơn, xóa bỏ mặc cảm, vươn lên hòa nhập cộng đồng, xã hội. Có nhiều tấm gương là người khuyết tật thành đạt, là tấm gương sáng trong học tập, trong lao động sản xuất, kinh doanh, trong khoa học công nghệ, trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể thao.

Để tiếp tục thực hiện các chính sách, pháp luật cũng như những cam kết quốc tế, động viên, chia sẻ và giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật một cách thiết thực, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp về người khuyết tật; tổ chức thực hiện tốt những quy định liên quan đến người khuyết tật cũng như những chính sách, quy định khuyến khích người khuyết tật, các tổ chức, cá nhân tham gia giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật cả về vật chất và tinh thần.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cũng như toàn xã hội tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về người khuyết tật; thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình trợ giúp người khuyết tật; thúc đẩy các hoạt động hội nhập quốc tế về người khuyết tật; bảo đảm các quyền của người khuyết tật.

Biểu dương Liên hiêp hội về người khuyết tật Việt Nam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Chương trình đi Bộ “Vì một thế giới hòa nhập cho người khuyết tật,” Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn trong thời gian tới những hoạt động từ thiện nhân đạo sẽ tiếp tục phát triển để góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo tốt hơn cho người khuyết tật.

Chia sẻ về quyền của người khuyết tật, Chủ tịch Diễn đàn Người khuyết tật châu Á-Thái Bình Dương năm 2014 Kieng Soe Park hy vọng thông qua buổi diễu hành, mọi người dân sẽ hiểu được quyền của người khuyết tật và khó khăn của họ. Cuộc diễu hành hôm nay sẽ mở đầu cho nhiều cuộc diễu hành trong tương lai, để cùng hành động vì quyền của người khuyết tật.

Hiện, Việt Nam có khoảng 7,8% dân số trên 5 tuổi là người khuyết tật, tương đương 6,7 triệu người, là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số.

Chương trình đi bộ “Vì một thế giới hòa nhập cho người khuyết tật” nhằm tiếp tục động viên, khích lệ xã hội tham gia chăm lo, chia sẻ với người khuyết tật; góp phần tạo nên niềm tin, phấn khởi giúp người khuyết tật bớt đi những mặc cảm, tự ti, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân với tấm lòng nhân ái ủng hỗ Quỹ Bảo trợ người khuyết tật Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục