Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa quyết định tăng cường xử lý các loại rác thải và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, mở rộng các dự án xử lý chất thải trên địa bàn thành phố. Cụ thể, lãnh đạo thành phố chỉ đạo các Sở Xây Dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai, mở rộng dự án đầu tư xây dựng Khu xử lý rác thải Nam Sơn-Sóc Sơn, Xuân Sơn-Sơn Tây. Theo đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn-Sóc Sơn nâng cấp ô chôn lấp xử lý rác thải Nam Sơn giai đoạn I. Với Dự án Khu xử lý rác thải Xuân Sơn-Sơn Tây, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định, sớm đưa nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt của Seraphin đi vào hoạt động trong năm 2011. Ngoài đó ra, các sở ban ngành đẩy nhanh công tác thẩm định đủ cơ sở nghiệm thu kỹ thuật, đưa ô chôn lấp 1,2ha vào hoạt động trong tháng 8/2011. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án Khu xử lý rác thải Đồng Ké-Chương Mỹ theo hướng áp dụng công nghệ xử lý hiện đại và đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải, chất thải sinh hoạt ở phía tây Thành phố. Thành phố cũng đôn đốc đẩy nhanh tiến độ Dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt 2.000 tấn/ngày đêm tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn-Sóc Sơn theo hình thức BOT do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC làm chủ đầu tư. Các sở ban ngành phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương và đơn vị liên quan tập trung giải quyết và sớm hoàn thành các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất và hoàn thành các công trình về hạ tầng liên quan./.
Khu xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn bắt đầu hoạt động từ năm 1999 trên diện tích 83,5ha với 9 ô chôn lấp rác. Theo thiết kế ban đầu, năng lực tiếp nhận chất thải của khu này dự kiến trong khoảng 20 năm, nhưng với khối lượng rác hiện nay thì điểm thu nhận sẽ phải đóng cửa sớm hơn đến 7 năm. Tại khu xử lý rác thải Xuân Sơn, Sơn Tây-nơi tập kết rác cho các huyện, thị xã phía tây Hà Nội, từ năm 2009 đến nay đang phải chạy đua với rác do quá tải. Thị xã Sơn Tây cho phép nâng cốt 10 ô chôn lấp rác đồng thời thi công ô chôn lấp khẩn cấp với diện tích 1,2ha. Đáng lo ngại là ô khẩn cấp này cũng chỉ "sống" được trong khoảng một năm sẽ quá tải. |
Đặng Thị (Vietnam+)