Hà Nội hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID

Từ 22/4 đến ngày 6/5, Sở Tư pháp Hà Nội đã tiếp nhận 5.272 hồ sơ, trong đó có 2.097 hồ sơ tiếp nhận qua ứng dụng VNeID đạt 39,78%; có 3.175 hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công thành phố đạt 60,22%.
Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn trình bày Tờ trình tại Kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố ngày 15/5. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng 15/5, với sự tán thành của 100% đại biểu có mặt tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, Nghị quyết quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID, có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID.

Nội dung, mức hỗ trợ và nguồn kinh phí thực hiện gồm: Hỗ trợ 100% mức phí phải nộp của các đối tượng quy định của Nghị quyết này mà không thuộc đối tượng được miễn phí theo quy định tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.

Trường hợp đối tượng quy định của Nghị quyết này có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 2 phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu thì được hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/lần/người (tương đương 10 phiếu lý lịch tư pháp). Kinh phí thực hiện việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp quy định tại Nghị quyết này được bố trí từ nguồn ngân sách thành phố giao Sở Tư pháp.

Trước đó, theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân thành phố từ năm 2021 đến năm 2023, thành phố Hà Nội đã cấp khoảng 222.500 phiếu lý lịch tư pháp và trung bình mỗi ngày Sở Tư pháp tiếp nhận trên 500 yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của công dân, tổ chức.

Để tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian, chi phí xã hội cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05/3/2024 tại Phiên họp thường kỳ tháng 02 năm 2024 của Chính phủ cho phép Hà Nội thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID trước thời điểm nhân rộng toàn quốc (xác định từ ngày 1/7/2024 theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ về định danh, xác thực điện tử). Đây được xác định là nhiệm vụ chính trị đột xuất, cấp bách, được Chính phủ giao bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo trên của Chính phủ, từ ngày 22/4/2024, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp của thành phố đã được triển khai thí điểm trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID).

Qua thời gian ngắn từ 22/4/2024 đến ngày 6/5/2024, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 5.272 hồ sơ; trong đó có 2.097 hồ sơ tiếp nhận qua ứng dụng VNeID đạt 39,78%; có 3.175 hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công thành phố đạt 60,22%.

Số liệu trên cho thấy, mặc dù đạt kết quả đáng khích lệ bước đầu, nhưng nhìn chung, tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp còn chưa cao; do đây là dịch vụ mới triển khai thí điểm trên VNeID nên chưa được nhiều người biết đến.

Vì vậy, thành phố cần thiết có cơ chế khuyến khích, động viên, hỗ trợ người dân tham gia sử dụng dịch vụ này, đặc biệt ở giai đoạn đầu thực hiện. Hơn nữa, khi nghị quyết ban hành đi vào đời sống, sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục thu nộp phí, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID, Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công thành phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hỗ trợ, khuyến khích, động viên, thu hút người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, sử dụng VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp phiếu lý lịch tư pháp. Giảm áp lực cho công chức của thành phố trong việc tiếp nhận hồ sơ trực tiếp thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp, đơn giản hóa quy trình thủ tục tiếp nhận, xử lý, giải quyết hồ sơ lý lịch tư pháp; góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng của dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp trong thời gian tới.

Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng theo đề xuất của Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, sau khi Nghị quyết được thông qua, đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền, thông tin về chính sách mới được quy định tại Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố đến Nhân dân nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết; chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng việc hướng dẫn công dân thông qua các video clip trực quan đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện, đồng thời tuyên truyền trên hệ thống các cơ quan thông tấn báo chí, qua các kênh thông tin của thành phố, mạng xã hội để người dân hiểu và thực hiện, góp phần minh bạch thông tin về chính sách mới để người dân thực hiện và giám sát việc thực hiện của các cơ quan nhà nước của thành phố.

Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành của thành phố thực hiện rà soát, hoàn thiện ngay hệ thống kỹ thuật, phần mềm có liên quan đến quy trình giải quyết thủ tục hành chính để đảm bảo thông suốt ngay từ khi Nghị quyết có hiệu lực nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và sử dụng hiệu quả, đúng quy định của ngân sách thành phố.

Hội đồng Nhân dân thành phố cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan để đảm bảo hệ thống Cổng dịch vụ công Quốc gia và hệ thống phần mềm ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) được đảm bảo thông suốt, hiệu quả.

Nghiên cứu tiếp tục mở rộng phạm vi thí điểm đối với các thủ tục hành chính khác có thể liên thông với ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) để đảm bảo phục vụ người dân ngày một tốt hơn, đẩy nhanh việc thực hiện Chuyển đổi Số trong công tác quản lý Nhà nước cũng như giải quyết các thủ tục hành chính./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục