Theo đồ án quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, thành phố Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh kết nối với trung tâm gồm Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai, Hòa Lạc được liên kết với đô thị trung tâm bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với hệ thống giao thông vùng Thủ đô và quốc tế.
Nhưng để đồ án quy hoạch trên trở thành hiện thực, những đô thị vệ tinh thu hút được lượng dân đủ lớn tới sinh sống phải hoàn thiện những điều kiện cần và đủ tạo môi trường sống bổ trợ lẫn nhau như một vòng tuần hoàn giống như đô thị trung tâm thu nhỏ; trong đó, hệ hạ tầng giao thông phải đi trước một bước tạo sức bật cho phát triển kinh tế-xã hội tại khu đô thị vệ tinh.
Trong 5 đô thị vệ tinh thì đô thị vệ tinh Hòa Lạc là đô thị lớn nhất. Đây là khu đô thị được quy hoạch là khu đô thị vệ tinh xanh, sạch, hiện đại đáng sống bậc nhất của Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng.
Cùng với đại lộ Thăng Long khang trang, hiện đại nối đô thị trung tâm với khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, hạ tầng giao thông, đô thị của khu đô thị vệ tinh này cũng đang được đẩy nhanh xây dựng cùng với sự thu hút đầu tư của Chính phủ hứa hẹn đây sẽ là nơi đáng sống.
[Hà Nội gương mẫu đi đầu, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại]
Những đô thị vệ tinh đang dần thành hình trong "giấc mơ" của những người dân đô thị, nơi đang phải chịu áp lực "đất chật, người đông," không ít người đã chuẩn bị sẵn dự định trong tương lai "bỏ phố lên rừng" khi các khu đô thị vệ tinh hoàn thiện sẵn sàng đón cư dân mới.
Vợ chồng anh Nguyễn Quốc H. ở khu đô thị Linh Đàm cùng nhiều người khác đã theo làn sóng bất động sản đón đầu "đô thị vệ tinh" mua một lô đất hai mặt đường tại khu công nghệ cao Hòa Lạc từ mấy năm trước.
"Có một quán cà phê ở khu đô thị Hòa Lạc là giấc mơ của chồng tôi nên anh ấy mua mảnh đất này từ sớm sợ sau này tăng giá sẽ không mua nổi. Chắc chắn sau khi về hưu vợ chồng tôi sẽ lên đây ở an hưởng tuổi già," chị Nguyễn Thu N. vợ anh H chia sẻ.
Xác định 5 đô thị vệ tinh là 5 trung tâm phát triển của Thủ đô trong tương lai thành phố cần nhanh chóng hoàn thành đầu tư đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, để sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông cần phải hết sức linh hoạt trong cơ chế cũng như huy động nguồn vốn đầu tư.
Trước mắt, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của thành phố về phân công, phân cấp quản lý, cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trong đó đặc biệt nên chú trọng tăng cường phân cấp cho các quận, huyện có nguồn thu lớn, có năng lực về tổ chức quản lý để chủ động đầu tư nhằm giảm tải áp lực cho ngân sách thành phố.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành Trung ương, những năm qua, dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố, Hà Nội đã phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế-xã hội; trong đó, nổi bật nhất là gắn kết, huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Nhiều công trình giao thông trọng điểm do thành phố thực hiện đã được hoàn thành, góp phần cải thiện, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông hiệu quả.
Đặc biệt, Hà Nội đã chủ động đầu tư kết nối các tuyến đường do Trung ương xây dựng với đường địa phương, trong đó có các công trình giao thông khung kết nối đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh, những tỉnh thuộc Vùng Thủ đô như quốc lộ 1A, quốc lộ 3, quốc lộ 6, quốc lộ 21; quốc lộ 21B; trục Tây Thăng Long, Ngọc Hồi-Phú Xuyên, đường trục phía Nam; Vành đai 3,5; 4, 5; hệ thống cầu vượt sông Tứ Liên; Hồng Hà, Mễ Sở, Ngọc Hồi…
Nhiều công trình đã hoàn thành đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nơi tuyến đường đi qua, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, kéo nông thôn về gần với thành thị.
Với vai trò của giao thông đối với phát triển kinh tế-xã hội, thành phố tập trung đầu tư ngân sách xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông khung; trong đó, ưu tiên các tuyến đường trục chính kết nối nhiều địa phương và Vùng Thủ đô, các trục đường sắt đô thị...; ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các địa phương còn khó khăn; bố trí đủ vốn cho các dự án quy hoạch làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư.
Đồng thời, thành phố cần hoàn thiện mạng lưới bến xe khách, xe tải liên tỉnh khu vực Vành đai 4 để kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Để tăng cường kết nối các khu đô thị và phòng ngừa nguy cơ ùn tắc giao thông, cùng với đầu tư cho đường bộ, Hà Nội cần có cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị, nhất là với các tuyến kết nối với đô thị vệ tinh như số 5 đoạn Văn Cao-Hòa Lạc; số 3, đoạn Ga Hà Nội-Hoàng Mai; thúc đẩy, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai tuyến số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi…/.