Hà Nội: HĐND thành phố cho ý kiến về Đề án xây dựng gần 600km đường sắt đô thị

Hà Nội yêu cầu thời gian tới thống nhất ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để tập trung nguồn lực rút ngắn tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị.
Đoàn tàu chạy kiểm tra định kỳ Dự án metro Nhổn-Ga Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 2/7, tại Kỳ họp thứ 17, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã cho ý kiến về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, thống nhất về việc bổ sung nội dung trong Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024, trong đó giao Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp thu các ý kiến của Hội đồng Nhân dân thành phố để hoàn thiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến và phê duyệt theo trình tự quy định.

Trước đó, trong khuôn khổ Kỳ họp, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có Tờ trình về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô. Như vậy, Đề án này sẽ được tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các cấp để hoàn thiện.

Nội dung Đề án của Ủy ban Nhân dân trình tại Kỳ họp nêu lên mục đích của xây dựng Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô để tổng kết tình hình triển khai đầu tư hệ thống đường sắt đô thị thời gian qua, làm cơ sở đề xuất định hướng phát triển, các cơ chế chính sách thí điểm, đặc thù để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Hà Nội yêu cầu thời gian tới thống nhất ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để tập trung nguồn lực rút ngắn tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị.

Thành phố Hà Nội sẽ sớm trình Bộ Chính trị chấp thuận, trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về chủ trương phát triển hệ thống đường sắt đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù làm cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.

Về quan điểm, Đề án được lập trên quan điểm thống nhất nhận thức về vai trò của đường sắt đô thị, là trục "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của thành phố, phát triển hệ thống đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của thành phố trong thời gian tới. Phát triển đường sắt đô thị gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực phát triển liên kết vùng Thủ đô.

Mục tiêu đặt ra là phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.

(Ảnh: PV/Vietnam+)

Để hoàn thành mục tiêu đó, Hà Nội đề xuất "1 kế hoạch, 3 phân kỳ đầu tư." Cụ thể: Phân kỳ 2024-2030 hoàn thành thi công xây dựng 96,8km (gồm các tuyến số 2, số 3, số 5 - khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg). Thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8; tuyến kết nối các đô thị vệ tinh). Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 14,602 tỷ USD.

Phân kỳ 2031-2035 hoàn thành đầu tư xây dựng 301km. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,572 tỷ USD.Phân kỳ 2036-2045 hoàn thành đầu tư 200,7km đường sắt đô thị các tuyến/đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Nhu cầu vốn khoảng 18,252 tỷ USD.

Dựa trên thực hiện rà soát các nguồn vốn đầu tư công bao gồm vốn ngân sách, vốn vay trái phiếu, vốn vay ODA và các nguồn vốn huy động khác theo quy định hiện hành, Hà Nội dự kiến đến năm 2035 thành phố cân đối được khoảng 28,560 tỷ USD. Đến năm 2045 có thể cân đối được khoảng 29,210 tỷ USD, đủ đáp ứng nhu cầu giai đoạn này.

Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2035, Hà Nội cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8,614 tỷ USD. Cùng với việc bố trí vốn, Tờ trình của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đề xuất 23 nhóm cơ chế, chính sách cần thiết để thực hiện. Trong đó, về quy hoạch, Ủy ban Nhân dân thành phố đề xuất được khai thác quỹ đất trong khu vực TOD (lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị) để phát triển đường sắt đô thị.

Bên cạnh đó, Đề án cũng đề xuất cho Hà Nội được chủ động hơn trong vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng, huy động nguồn vốn, thủ tục triển khai dự án, lựa chọn kỹ thuật công nghệ, đào tạo nhân lực... để làm đường sắt đô thị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục