Hà Nội: Hàng Tết được tăng cường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân

Các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội tăng trung bình từ 5%-20% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024.
Người dân mua sắm hàng Tết tại siêu thị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bên cạnh việc tăng cường hàng hóa phục vụ mua sắm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đảm bảo việc mua sắm của người dân, điểm nổi bật là lượng hàng do trong nước sản xuất cũng chiếm ưu thế trong các kênh phân phối hiện đại.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc ngày 14/1 của Bộ Công Thương với thành phố Hà Nội về công tác bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025.

Sức mua hàng Tết sẽ tăng 20% so với ngày thường

Thông tin tại hội nghị, bà Hà Thị Thu Trang, Trưởng phòng Marketing, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce chi nhánh Hà Nội cho hay, dự báo sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 sẽ tăng khoảng 20% so với ngày thường, về phía cung ứng, hệ thống siêu thị đã chủ động thực hiện công tác dự trữ hàng hóa từ sớm với lượng dự trữ tăng 10-20%, bảo đảm lượng hàng hóa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong suốt dịp Tết.

Đặc biệt, đối với những mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, gà, rau củ quả, các sản phẩm cúng Tết; các loại gia vị hay các mặt hàng có lượng tiêu thụ cao trong dịp Tết như bánh mứt kẹo, đồ uống,... phía siêu thị đã chủ động dự trữ nhằm đảm bảo nguồn cung và duy trì mức giá ổn định trong suốt dịp Tết.

“Các mặt hàng phục vụ Tết năm nay rất phong phú và đa dạng, với hơn 90% là hàng hóa nội địa và 10% còn lại nhập khẩu từ các nhà cung cấp quốc tế uy tín để làm giàu nguồn hàng hóa cho hệ thống bán lẻ. Các siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc nói chung và chi nhánh ở thành phố Hà Nội nói riêng sẽ hoạt động tới 12h00 ngày 29 Tết và mở bán trở lại vào ngày mùng 4 Tết”, bà Hà Thị Thu Trang cho biết.

Tương tự, tại AEON, theo bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua khu vực miền Bắc và miền Trung, doanh nghiệp này cho biết vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, phía đơn vị cũng đã chuẩn bị lượng hàng tăng trưởng 115-120% so với bình thường, đồng thời, AEON làm việc với nhà cung cấp trọng yếu, lên phương án về kho bãi, chương trình khuyến mại để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng một cách tốt nhất. Về thời gian hoạt động Tết Nguyên đán, siêu thị sẽ đóng cửa vào 20h ngày 29 Tết và mở cửa trở lại vào 12h trưa ngày mùng 1 Tết.

Bộ Công Thương làm việc với Hà Nội về hàng hóa phục vụ Tết. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Còn theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị GO! Thăng Long, doanh nghiệp bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, thành phố Hà Nội và luôn đảm bảo nguồn cung hàng hóa dịp Tết này.

Đáng chú ý, lượng bán hàng tuần này bắt đầu tăng mạnh, lượng khách hàng đến với siêu thị đã gấp đôi so với tuần trước đó. Phía Go! Thăng Long cũng đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu dịp Tết này từ 10%-50%.

Đẩy mạnh chương trình bình ổn thị trường

Tại Hà Nội, năm nay, thành phố tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tổng số Doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 22 đơn vị tham gia Chương trình, gồm 19 đơn vị của Hà Nội và 03 đơn vị của 06 tỉnh, thành phố), cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 10.600 điểm bán, trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Lotte, BRG Mart…

Ước tính lượng hàng hóa thực hiện chương trình Bình ổn thị trường năm 2024 của thành phố Hà Nội đáp ứng 35% nhu cầu thị trường trong 1 tháng (khả năng cung ứng của Chương trình trong 03 tháng Tết khoảng 997.531,575 tấn thực phẩm các loại và 132 triệu quả trứng gia cầm).

Đến nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5%-20% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024; tại các điểm bán hàng, lượng hàng hoá đã được tăng cường 30-35% sẵn sàng phục vụ nhân dân, trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm khoảng 85-90%.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Giám đốc Kinh doanh Chi nhánh Công ty cổ phần C.P Việt Nam cho hay nhiều năm tham gia chương trình bình ổn thị trường và cung cấp sản lượng lớn hàng hóa cho người tiêu dùng. Tết Nguyên đán Ất Tỵ, phía doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng 20% với hàng tươi sống và tăng 50% với hàng chế biến.

“Khoảng 1 tuần nay, lượng tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp tăng lên gấp đôi so với ngày bình thường. Trong dịp Tết, việc vận chuyển cũng là vấn đề đối với doanh nghiệp,” bà Nghĩa nói đồng thời đại diện Công ty C.P kiến nghị thành phố, các sở, ngành và Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp về việc vận chuyển trong thành phố nhất là trong thời gian cao điểm.

Nhiều chương trình khuyến mại, bình ổn thị trường dịp Tết. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết thành phố đã chấp thuận chủ trương cho phép Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố kiểm tra, hướng dẫn cho phép xe ôtô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24/24h trên địa bàn thành phố Hà Nội để phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và công tác bình ổn thị trường năm 2025.

Theo đó, Sở Công Thương đã gửi danh sách 190 xe vận chuyển hàng hóa để Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố kiểm tra, cấp phép để đảm bảo lưu thông thông suốt hàng hóa trong dịp Tết.

“Tổng hợp thông tin giờ mở cửa phục vụ nhân dân trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Đến nay đã có 1.313 địa điểm của các đơn vị phân phối bán lẻ thông tin mở cửa bán hàng trở lại phục vụ nhân dân từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết,” ông Nguyễn Thế Hiệp thông tin thêm.

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố đã tổ chức nhiều chương trình bán hàng với mức khuyến mãi hấp dẫn đối với các mặt hàng Tết như khuyến mãi giảm giá ưu đãi lên đến 50%, bốc thăm trúng thưởng, giá sốc kèm tặng quà, các lễ hội trái cây, dùng thử sản phẩm...) góp phần tăng kích cầu tiêu dùng trên địa bàn dịp Tết 2025.

Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử đã xây dựng các gói chương trình hàng Việt, các chương trình ưu đãi như cung cấp voucher tích lũy, voucher giảm giá và mã miễn phí vận chuyển, các chương trình ưu đãi riêng cho khách hàng thanh toán trực tuyến… để hỗ trợ người tiêu dùng mua được sản phẩm cần thiết, giá hợp lý.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh với sự chỉ đạo của Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa ngay trong quý 4/2024 để đảm bảo nguồn hàng trước, trong và sau Tết. Cùng đó, các doanh nghiệp phân phối cũng đã cam kết không tăng giá hàng hóa dịp Tết. Theo bà Hiền, Hà Nội là một trong những địa phương chuẩn bị tốt hàng hóa dịp Tết, đã giúp Bộ Công Thương nắm sát thông tin thị trường hàng hóa.

Bà Nguyễn Thúy Hiền cũng đề nghị Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc dự trữ hàng hóa, đẩy mạnh triển khai chương trình bình ổn giá, đẩy mạnh phối hợp với lực lượng chức năng trong việc kiểm tra kiểm soát thị trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục