Hà Nội: Hàng hóa thiết yếu dồi dào, người dân không cần tích trữ

Theo Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp đã tăng lượng dự trữ hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nguồn cung bình ổn thị trường phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Các siêu thị tăng nguồn cung dự trữ hàng hóa, đảm bảo bình ổn thị trường. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đã tăng lượng hàng hóa dự trữ, sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân.

Siêu thị kéo dài thời gian phục vụ

Theo ghi nhận của VietnamPlus, trong chiều và tối nay, tại các siêu thị lớn như Vinmart, BigC… lượng người đến mua hàng có tăng so với ngày thường, các mặt hàng mua nhiều chủ yếu là rau, củ, quả, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu, song không có tình trạng đổ xô mua hàng tích trữ.

Đại diện Big C cho biết nhằm đáp ứng đầy đủ hàng hóa, giúp người dân yên tâm chống dịch, hệ thống siêu thị này đã tăng cường nguồn cung hàng hóa, đa dạng các kênh bán hàng.

[Đảm bảo hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19]

Theo đó, Big C đã tiến hành làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung, nâng cao trữ lượng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn để sẵn sàng phục vụ khách hàng.

Đối với hàng thực phẩm khô, Big C dự trữ tăng 30-50% với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao; hàng tươi sống, Big C đã làm việc với các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng lên 200-300% so với thông thường.

Để phục vụ người dân, doanh nghiệp còn kéo dài thời mở cửa bán hàng đến 22 giờ, thậm chí trường hợp cần thiết sẽ kéo dài thêm để phục vụ khách hàng mua sắm, đồng thời tạo điều kiện mua sắm giãn cách.

Về phía Vinmart, ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc miền Bắc hệ thống siêu thị này thông tin hiện nay doanh nghiệp có 4 kho hàng, các kho hàng đều vận chuyển hàng hóa xuyên đêm để đưa hàng hóa về các siêu thị lớn. Trong đó, riêng kho ở Bắc Ninh, hàng hóa vận chuyển về tới Hà Nội chỉ mất khoảng 2 tiếng.

“Phía doanh nghiệp phân phối cam kết đủ nguồn cung hàng hóa, người dân không nên đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa đảm bảo 3 tại chỗ gồm: Lực lượng tại chỗ, nguồn hàng tại chỗ, phục vụ tại chỗ phục vụ người tiêu dùng Hà Nội với lượng hàng thực phẩm thiết yếu tăng gấp 3 lần ngày thường, trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần so với ngày thường,” ông Hà nói.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chủ động, liên tục làm việc với các nhà cung ứng như Masan, Medeli để lên kế hoạch sản xuất đảm bảo không để tình trạng trống kệ hàng.

Không có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng

Trong khi đó, tại các cửa hàng tiện ích và chợ truyền thống, nhờ việc chuẩn bị tốt về hàng hóa nên dù lượng khách có tăng, song cũng không có đột biến.

Nhiều siêu thị kéo dài thời gian phục vụ để người dân mua hàng. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Đơn cử, tại chợ truyền thống như Kim Liên, Thành Công, 8/3… người dân đi chợ khá đông, nhưng chủ yếu do hôm nay là ngày 14/5 Âm lịch, người tiêu dùng đi mua đồ lễ, hoa quả, thắp hương cho ngày Rằm.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội lợi thế của thành phố là nhiều hệ thống phân phối lớn và nhà cung cấp lớn của các tỉnh thành phố cung cấp hàng hóa về cho Hà Nội.

Do đó, qua các hợp đồng, đơn hàng đặt từ trước, các chương trình, kế hoạch của doanh nghiệp cũng như chương trình bình ổn thị trường của thành phố, đến thời điểm này cả về nguồn cung và giá cả không có sự biến động, vẫn đảm bảo cung cấp bình thường cho người dân.

Hiện Hà Nội chưa có tình trạng găm hàng, giữ giá đối với những mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội vẫn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cùng với Sở Công Thương và các lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên túc trực kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch cũng như chương trình bình ổn giá đăng ký với thành phố đáp ứng nhu cầu người dân. Không găm hàng, tăng giá, trục lợi trong bối cảnh dịch bệnh.

Bên cạnh việc xây dựng phương án 3 cấp độ để đảm bảo nguồn cung hàng bình thường như 6 tháng đầu năm 2021 với số lượng dự trữ tăng 3 lần bình thường, hiện Sở cũng đề nghị hệ thống phân phối tăng thêm nguồn hàng.

Hà Nội cũng huy động tổng lực, sẵn sàng xe vận chuyển xuyên đêm để đưa hàng vào thành phố, cũng như tăng giờ bán. Thành phố cũng sẵn sàng kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động để các đơn vị phân phối và hộ kinh doanh trong chợ có thể bán hàng lưu động phục vụ nhân dân./.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 459 chợ, 28 Trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

Thành phố cũng sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục