Hà Nội góp sức chăm lo cho người yếu thế trong thời đại dịch

Thời gian qua, tại địa điểm 57 Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá (Ba Đình), trong một tiếng buổi sáng mỗi ngày, khoảng 300 suất ăn được phát tới tay người nghèo, người gặp khó khăn, người không có thu nhập.
Hà Nội góp sức chăm lo cho người yếu thế trong thời đại dịch ảnh 1Điểm phát hàng miễn phí nhu yếu phẩm cho người lao động nghèo, người yếu thế. (Ảnh TTXVN phát)

Bên cạnh những dãy phố khang trang, đèn sáng lung linh thì đâu đó ở Hà Nội còn có những xóm trọ nghèo.

Nơi ấy có những con người ở nhiều miền quê khác nhau tìm đến Thủ đô để mưu sinh. Nhưng do dịch bệnh, công việc ít, người lao động nghèo, người yếu thế lại không thể về quê do thành phố Hà Nội áp dụng Chỉ thị 17/UBND.

Trong lúc khó khăn, người yếu thế, người lao động nghèo luôn nhận được sự quan tâm động viên của nhân dân và chính quyền Thủ đô.

Nối dài những vòng tay ấm

Nằm khuất hẳn phía sau những ngôi nhà cao tầng ở đường An Xá, phường Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội) là dãy nhà trọ thấp, nhỏ được làm cách đây khoảng chục năm. Mỗi căn phòng trọ rộng chừng hơn chục mét vuông - nơi ở của những lao động quê tại nhiều tỉnh thành của cả nước. Bên trong không có gì đáng giá, ngoài những thùng xốp treo cao dường như rất lâu chưa lấy xuống để làm đồ đựng hàng, chạy chợ; chiếc nồi cơm điện nhỏ, đôi quang gánh và cái quạt điện.

Tán cây khế nhiều năm tuổi trồng phía trước che khuất hết ánh sáng, làm khu trọ vốn đã ẩm thấp lại càng thêm u tối. Có khách, chị Trần Thị Thoa (quê Nam Định) mới với tay bật đèn phòng trọ.

Chị Thoa giãi bày, ngày thường không có dịch chị đi lấy hoa quả tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) rồi đi bán lẻ ở các phố. Ngoài ra chị còn đi làm giúp việc theo giờ, thu nhập mỗi tháng trừ chi tiêu, ăn uống, điện nước, nhà trọ chị cũng để ra được khoảng từ 2 đến 3 triệu đồng.

Thế nhưng khi dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát, nhất là từ ngày 24/7, thành phố Hà Nội áp dụng Chỉ thị 17/UBND với yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà, chị cũng như nhiều người lao động ngoại tỉnh bất đắc dĩ bị “mắc kẹt” ở nhà trọ.

Không có việc, mấy chị em cùng xóm trọ với chị Thoa chỉ biết đi ra đi vào, quét sân quét ngõ xóm trọ cho đỡ buồn chân tay nhưng lòng thì rầu rĩ. Không có thu nhập, chị Thoa mang những đồng tiền tiết kiệm ra chi tiêu, vì thế bữa ăn hàng ngày cũng tằn tiện hơn, chỉ vỏn vẹn cơm với rau luộc.

Chị Thoa tâm sự: “Chúng tôi luôn tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch của chính quyền địa phương đặt ra nhưng thú thật, không có việc làm cũng rất cơ cực. Cũng may, trong những ngày giãn cách xã hội luôn nhận được lời động viên, chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ, sự quan tâm tặng quà của chính quyền địa phương nên cũng vơi đi bớt cực khổ, có thêm động lực vượt qua đại dịch."

["Siêu thị 0 đồng" hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng vì dịch bệnh COVID-19]

Không chỉ tại quận Ba Đình mà trên địa bàn Hà Nội, có khá nhiều người lao ngoại tỉnh đang không thể về quê. Dịch COVID-19 đã “cướp đi” việc làm và thu nhập, đẩy họ đến chỗ khó khăn.

Trao đổi với bà Phạm Thị Diễm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội), quận đã có nhiều việc làm thiết thực để giúp đỡ, chia sẻ với những người lao động, người yếu thế gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Theo bà Diễm, với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau" cùng đạo lý “Thương người như thể thương thân," “Lá lành đùm lá rác," “Một miếng khi đói bằng một gói khi no," Ủy ban Nhân dân quận đã chỉ đạo các cấp, ngành vào cuộc để chăm lo gia đình chính sách, người nghèo, người yếu thế trên địa bàn trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19.

Riêng đối với phong trào, việc làm ủng hộ người nghèo, người yếu thể do dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân quận chỉ đạo các đoàn thể, chính quyền các phường cần có những việc làm thực chất, chân tình không vì “đánh bóng” hình ảnh, giảm đi giá trị nhân văn. Nhờ đó, việc “đi chợ giúp dân” cho những hộ bị cách ly, già yếu, neo đơn được thực hiện; trao tặng nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với “Bữa cơm ấm lòng” được triển khai.

Đặc biệt, thời gian qua, tại địa điểm 57 Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá (Ba Đình), trong một tiếng buổi sáng mỗi ngày, khoảng 300 suất ăn được phát tới tay người nghèo, người gặp khó khăn, người không có thu nhập.

“Trong thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện, các phường trên địa bàn đã tặng hàng trăm suất quà, trị giá từ 500.000-1,2 triệu đồng/suất. Ngoài ra, các phường còn tặng nhu yếu phẩm gồm gạo, mỳ tôm, trứng, bánh kẹo, rau... cho các gia đình nghèo, cận nghèo trên địa bàn gặp khó khăn do dịch bệnh. Việc làm này góp phần giúp các hộ nghèo, người mất việc làm có thể duy trì sức khỏe để vượt qua thời điểm dịch bệnh," bà Phạm Thị Diễm thông tin thêm.

Tiếp thêm động lực để vượt qua đại dịch

Ông Bùi Thanh Xuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Phúc Xá (Ba Đình) cho hay, địa phương đã phối hợp với nhiều nhà hảo tâm, tổ chức thăm hỏi, tặng hàng vài chục suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lao động ngoại tỉnh đang trọ trên địa bàn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Hiện, nhiều "mạnh thường quân" tiếp tục mong muốn được phối hợp với phường để được quan tâm, chăm lo cho người nghèo, người thuê trọ trên địa bàn. Phía Ủy ban Nhân dân phường cũng đang sắp xếp thời gian và địa điểm hợp lý để tặng quà cho người nghèo, người yếu thế đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Hà Nội góp sức chăm lo cho người yếu thế trong thời đại dịch ảnh 2Đoàn viên thanh niên quận Ba Đình tặng quà cho người nghèo, người neo đơn, người yếu thế trên địa bàn. (Ảnh TTXVN phát)

Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, đánh giá những ngày qua, nhiều người dân, doanh nghiệp mặc dù đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do tác động của dịch nhưng vẫn tìm đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố để quyên góp, ủng hộ. Tinh thần “chống dịch như chống giặc” được thể hiện bằng những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp đã tiếp thêm động lực cho những người ngày đêm căng mình nơi “tuyến đầu” vượt qua khó khăn và cả những người yếu thế có cơ hội ổn định cuộc sống.

“Cuộc chiến chống dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài, mong muốn các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp bằng tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình tiếp tục chung sức, đồng lòng và tích cực tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch trên tinh thần “ai có tiền góp tiền, ai có hiện vật góp hiện vật, ai có ý tưởng góp ý tưởng” để cùng thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh," Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội bày tỏ.

Theo tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đến ngày 29/7, toàn thành phố đã hỗ trợ tổng số hơn 54 tỷ đồng cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Ngoài các chính sách chung, xuất phát từ đặc thù của địa phương, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đã đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt kinh phí hỗ trợ hộ nghèo không có người tham gia thị trường lao động, không là lao động tự do, mà gia đình gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Dự kiến, thành phố có khoảng hơn 3.000 hộ được hỗ trợ với mức hỗ trợ tối thiểu 1 triệu đồng/hộ. Theo hướng này, một số hộ cận nghèo trên địa bàn cũng sẽ phần nào vơi bớt được khó khăn trong đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục