Tri thức làm thuốc nam của người Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì (Hà Nội) được coi là di sản văn hóa và đang được ngành văn hóa Hà Nội cũng như chính quyền địa phương bảo tồn và phát triển.
Xã Ba Vì có 98% dân số là người Dao, sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chế biến thuốc nam. Việc sử dụng thuốc nam để chữa bệnh từ lâu đã gắn bó với cuộc sống của người Dao lúc còn trên núi cao.
Khi chuyển xuống núi sinh sống, do diện tích đất canh tác ít ỏi, nghề phụ không có nên cuộc sống của đồng bào gặp khó khăn. Một số người đã phát triển nghề thuốc và dần dần nghề thuốc nam trở thành một nghề truyền thống.
Ngày nay, mặc dù y học phát triển nhưng các bài thuốc nam vẫn giúp cộng đồng nơi đây bảo vệ sức khỏe và trở thành nghề mang nguồn thu nhập chính cho họ.
Nguồn thuốc chính của người Dao ở Ba Vì được khai thác trên núi Ba Vì. Nơi đây có hơn 500 loài dược liệu, trong đó có nhiều loài quý và đặc hữu. Ngoài ra, người Dao còn lấy các cây thuốc ở đồi Suối Hai, đồi Đá Chông, khu K9 (Ba Vì)… và một số tỉnh phía Bắc.
[Hà Nội phát triển y, dược cổ truyền trong khám chữa bệnh]
Trước thực tế, nhiều cây thuốc trên rừng khó tìm, có nguy cơ tuyệt chủng, một số gia đình người Dao tự trồng cây thuốc ở vườn nhà mình để bảo tồn giống.
Trước kia, các loại cây có sử dụng làm thuốc thường được người Dao dùng tươi hay phơi khô, nấu lấy nước tắm hoặc uống. Còn nay, thuốc lấy ở rừng về được sơ chế thành năm loại như thuốc khô, cao, thuốc nhỏ, thuốc đắp và thuốc bột.
Thuốc nam của người Dao được sử dụng để chữa nhiều loại bệnh: xương khớp, bệnh gan, thận, dạ dày, thần kinh, bệnh ngoài da, răng miệng, thuốc cho phụ nữ sau sinh…
Người Dao ở Ba Vì đặc biệt nổi tiếng với một số bài thuốc chữa xương khớp, trĩ và thuốc cho phụ nữ sau sinh.
Bên cạnh việc truyền dạy trực tiếp trong gia đình và học hỏi lẫn nhau, những năm gần đây, huyện Ba Vì và xã Ba Vì có tổ chức một số lớp học về đông y để nâng cao hiểu biết cho những người làm thuốc nam, với các chuyên đề về sơ chế và bảo quản thuốc, chẩn đoán bệnh.
Hợp tác xã dịch vụ thuốc nam dân tộc Dao Ba Vì được thành lập nhằm khai thác và bảo tồn hiệu quả nhiều loài thuốc quý. Chính quyền địa phương cũng chú trọng việc tuyên truyền để cộng đồng người Dao ở Ba Vì hiểu được giá trị của Vườn Quốc gia Ba Vì, giá trị của các cây thuốc cũng như tri thức chữa bệnh trong nhân dân, từ đó mỗi người có ý thức hơn trong việc bảo vệ di sản thiên nhiên, cũng như tri thức làm thuốc nam của cộng đồng mình.
Trong khuôn khổ dự án “Phát triển mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội” dưới sự tài trợ của Quỹ Rockefeller, Quỹ châu Á và Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng, cuốn sách “Cây thuốc của người Dao Ba Vì” đã được biên soạn, góp phần cho cộng đồng người Dao ý thức trong bảo tồn và phát triển nghề.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng biên soạn cuốn “Tri thức làm thuốc nam của người Dao ở Ba Vì” nhằm sưu tầm, lưu giữ di sản văn hóa làm thuốc nam của người Dao nói chung và ngành văn hóa Hà Nội nói chung./.