Hà Nội: Gian nan con đường sản xuất và tiêu thụ rau an toàn

Đề án sản xuất-tiêu thụ rau an toàn của Hà Nội sắp đến giai đoạn kết thúc, nhưng nhìn chung đầu ra của sản phẩm vẫn còn nhiều bấp bênh.
Sản xuất rau an toàn tại Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Đề án sản xuất-tiêu thụ rau an toàn của Hà Nội sắp đến giai đoạn kết thúc, nhưng nhìn chung đầu ra của sản phẩm vẫn còn nhiều bấp bênh. Người tiêu dùng chưa tin tưởng rau an toàn dù đã gắn tem, dán nhãn mác; nhiều doanh nghiệp tiêu thụ rau phá sản do kinh doanh không có lãi.

Hiện nay, các bà nội trợ rất hoang mang với "ma trận" thông tin về các loại rau an toàn, rau hữu cơ. Thậm chí ngay tại các siêu thị lớn, người tiêu dùng nhiều khi cũng mua rau bẩn, rau không rõ nguồn gốc xuất xứ về gắn mác rau an toàn. Hàng loạt vụ việc rau không rõ nguồn gốc bị phát hiện tại các siêu thị Big C, Le’s Mart... đã được báo chí phanh phui.

Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, hiện sản xuất rau an toàn trên địa bàn Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn ở đầu ra do người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng rau an toàn, rau hữu cơ. Mặc dù, rau an toàn Hà Nội đã hình thành một số chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, có tem, dán nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã cung cấp nhưng sản lượng còn ít, chỉ đạt 20.000 tấn/năm, chiếm 5% sản lượng rau an toàn, 3% sản lượng rau, 2% nhu cầu tiêu dùng.

Thực tế, người tiêu dùng đang có xu hướng sử dụng ngày một nhiều hơn các loại rau an toàn, nhưng do thiếu thông tin hoặc thông tin không minh bạch nên người tiêu dùng còn e dè.

Theo số liệu khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (năm 2014) có tới 73% người bán rau tại Hà Nội không thể phân biệt được rau bẩn và rau an toàn, tỷ lệ này ở người mua lên tới 95%.

Hà Nội có tổng diện tích canh tác rau gần 12.000ha, tương đương 29.000ha gieo trồng/năm. Sản lượng rau đạt gần 600.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, còn lại 40% cung cấp từ các địa phương khác như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Hòa Bình...

Năm 2008, Sóc Sơn là huyện đầu tiên của Hà Nội thí điểm chương trình trồng rau sạch và rau hữu cơ do Hội Nông dân Việt Nam và tổ chức ADDA Đan Mạch hỗ trợ. Hiện toàn huyện Sóc Sơn có 13 nhóm, hai liên nhóm, hai hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ với diện tích hơn 20ha.

Các nhóm sản xuất ký kết hợp đồng cung ứng rau hàng ngày cho các công ty và nhóm khách hàng tiêu thụ tại Hà Nội mỗi tháng từ 75-80 tấn. Dù luôn có giá cao hơn rau an toàn khoảng 10-20% nhưng sản phẩm rau hữu cơ Sóc Sơn luôn hết hàng; sản lượng rau mới chỉ đủ để cung cấp cho một số khách sạn, nhà hàng cao cấp, cơ quan đóng trên địa bàn Hà Nội và tại một số điểm chuyên bán rau hữu cơ chứ chưa đủ để bán rộng rãi.

Ông Nguyễn Duy Hồng cho rằng phải xây dựng được hệ thống khép kín về rau an toàn thì sản phẩm mới được tiêu thụ ổn định. Doanh nghiệp phải cùng nông dân chia sẻ những khó khăn, bảo đảm các bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, người dân cũng cần nâng cao nhận thức trong việc áp dụng đúng các quy trình sản xuất rau an toàn. Để làm được việc này, mỗi vùng rau nên hình thành tổ nhóm nhằm kiểm soát lẫn nhau, bảo đảm chất lượng rau khi đưa ra thị trường.

Để thu hút được các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho vùng rau an toàn.

Hiện nay, Hà Nội đã phê duyệt 30 dự án về làm hạ tầng cơ sở trong Đề án sản xuất rau an toàn nhưng mới chỉ có 10 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ chế, đóng gói, bao tiêu sản phẩm ra thị trường.

Bên cạnh đó, để người tiêu dùng ngày càng tin tưởng đến với sản phẩm rau an toàn, cần có sự công khai minh bạch thông tin về kết quả kiểm tra, lấy mẫu ở các vùng sản xuất, các điểm kinh doanh rau an toàn, rau hữu cơ và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm làm ăn gian lận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục