Hà Nội giải quyết vướng mắc về quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa

Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện việc cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa.
Hà Nội giải quyết vướng mắc về quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguyễn Oanh/TTXVN)

Không phải là tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nhưng trong những năm qua Hà Nội đã chọn dồn điền đổi thửa làm khâu đột phá, có vai trò quan trọng, tạo động lực đẩy nhanh các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Bằng sự quyết tâm, từ năm 2012 đến nay, Hà Nội đã giao chỉ tiêu cho từng địa phương và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai theo quy định của pháp luật.

Kết quả, tính đến tháng 7/2020, thành phố đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa với diện tích 79.455ha, đạt gần 104,6% kế hoạch. Diện tích dôi dư sau dồn điền đổi thửa là gần 1.837ha, đang được các địa phương sử dụng vào mục đích xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.

Đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân" cho thấy, việc dồn điền đổi thửa thành công mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân tổ chức sản xuất, giảm ngày công, tiết kiệm chi phí sản xuất. Theo đó, người dân đã đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Cùng với dồn điền đổi thửa, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tập trung cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện để người dân yên tâm phát triển sản xuất.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính lũy kế đến ngày 26/6, trên toàn thành phố đã cấp được 617.964 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, đạt 99,21%; còn lại 4.897 trường hợp (tương ứng 0,79%) chưa được cấp là những trường hợp khó khăn, vướng mắc.

[HĐND thành phố Hà Nội thông qua nhiều nghị quyết phát triển KT-XH]

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết hầu hết các trường hợp chưa cấp được giấy chứng nhận trên là do người sử dụng đất không hợp tác kê khai, hoàn thiện hồ sơ; không có mặt tại địa phương; người sử dụng đất đã chết, trong gia đình chưa thỏa thuận được di sản thừa kế; tranh chấp, khiếu kiện, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có giấy tờ hợp pháp...

Để bảo đảm hoàn thành việc cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận đối với diện tích đất nông nghiệp đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa, căn cứ các quy định của pháp luật, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện việc cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, bảo đảm chất lượng, tiến độ, theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố.

Đối với trường hợp người sử dụng đất không hợp tác kê khai, đề nghị ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tại địa phương vận động, tuyên truyền, thuyết phục người sử dụng đất thực hiện hợp tác kê khai.

Nếu người sử dụng đất không có mặt tại địa phương, đề nghị các huyện, thị xã vận động, tuyên truyền, thuyết phục những người thân của người sử dụng đất về địa phương để thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất hoặc ủy quyền cho người thân tại địa phương theo quy định của pháp luật để thực hiện kê khai, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa.

Trường hợp người sử dụng đất đã chết, trong gia đình chưa thỏa thuận được di sản thừa kế, đề nghị ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tại địa phương tuyên truyền, thuyết phục gia đình người sử dụng đất sớm hoàn thành việc thỏa thuận di sản thừa kế để thực hiện kê khai, cấp giấy chứng nhận.

Trường hợp còn tranh chấp, khiếu kiện, chuyển nhượng không có giấy tờ, đề nghị ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban chức năng, Thanh tra nhà nước cấp huyện thực hiện thanh tra, kiểm tra, kịp thời giải quyết dứt điểm việc tranh chấp, khiếu kiện làm cơ sở để thực hiện kê khai, cấp giấy chứng nhận.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chỉ đạo trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị ủy ban nhân dân các huyện, thị xã phản ánh kịp thời về Sở để được hướng dẫn giải quyết; nếu vượt thẩm quyền Sở sẽ tổng hợp, đề xuất báo cáo ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục