Mặc dù kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản và rời khỏi thị trường, nhưng nhờ quan tâm công tác dạy nghề, tìm kiếm việc làm, khuyến khích, thu hút mạnh đầu tư nên thành phố Hà Nội đã giải quyết được lượng lớn lao động trên địa bàn.
Bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trong tháng 11/2024, thành phố giải quyết việc làm cho hơn 16,9 nghìn lao động, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2024, thành phố giải quyết việc làm cho 213,2 nghìn lao động, vượt 29,1% kế hoạch năm và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, 53,3 nghìn lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 3.925 tỷ đồng; 17,4 nghìn lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; trên 4,4 nghìn lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động; 138,1 nghìn lao động nhận được việc từ dịch vụ cung ứng việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác.
Cũng trong tháng 11, thành phố ra quyết định trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 5,7 nghìn người với số tiền hỗ trợ 193 tỷ đồng, giảm 15% về số người và giảm 2,2% số tiền so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, thành phố ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 70,4 nghìn người với số tiền hỗ trợ 2.171 tỷ đồng, giảm 10,5% về số người và giảm 1,1% số tiền. 100% người thất nghiệp được tư vấn hỗ trợ việc làm mới, trong đó hơn 1 nghìn người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ học nghề với số tiền 4,2 tỷ đồng.
Theo số liệu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước đến cuối tháng 11/2024 tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước giảm 4,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,1%, khu vực nhà nước tăng 1,6%.
Chia theo ngành kinh tế, lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 1,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2%; ngành khai khoáng tăng 18,2%.
Tính chung 11 tháng năm 2024, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 27,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 276,7 nghìn tỷ đồng, giảm 6,9% số doanh nghiệp và 13,8% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Thành phố có 9,1 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, 22,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, hơn 4,3 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng tương ứng 12,7%,18,2% và 29,2%...Để đảm bảo giải quyết việc làm cho lao động vào năm 2025, UBND thành phố Hà Nội đang tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung phát triển các lĩnh vực có giá trị cao như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, sản xuất công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Điều này không chỉ tạo ra việc làm chất lượng mà còn nâng cao thu nhập cho lao động.
Thành phố tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn; hợp tác với các doanh nghiệp để tổ chức nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu, tập trung vào các kỹ năng số và kỹ năng mềm. Đồng thời, khuyến khích các trường nghề đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
Để giải quyết lao động tại chỗ, lao động nghèo tại các địa phương, thành phố đẩy mạnh phát triển kinh tế và khởi nghiệp; thúc đẩy các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ. Các quận, huyện ngoại thành như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín… phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống để tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương./.
Gần 5.000 lao động các huyện nghèo được tạo điều kiện làm việc ở nước ngoài
Giai đoạn 2021-2025, các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn... đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 3.800 người lao động, tạo điều kiện cho gần 5.600 lao động tiếp cận các thủ tục đi làm việc ở nước ngoài.