Hà Nội: Giải pháp trước mắt khắc phục sự cố sạt lở đê tại Ba Vì

Theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì, có 2 điểm được xác định là nghiêm trọng đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân là tại khúc sông Hữu Đà chạy qua thôn Khê Thượng (xã Sơn Đà).
Hà Nội: Giải pháp trước mắt khắc phục sự cố sạt lở đê tại Ba Vì ảnh 1Chính quyền làm biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực sạt lở thôn Trung Hà, xã Thái Hòa, huyện Ba Vì. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Do ảnh hưởng của mưa bão trong thời gian qua, tại địa bàn huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất bờ sông, nguy cơ đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân.

Để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục sạt lở đất trên các tuyến đê huyện Ba Vì rất cần sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, có hai điểm được xác định là nghiêm trọng đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân. Đó là tại khúc sông Hữu Đà chạy qua thôn Khê Thượng (xã Sơn Đà) từ đầu tháng Chín năm nay đã xuất hiện sạt lở đất nằm trong hành lang sông. Qua khảo sát của Hạt quản lý đê Ba Vì, vị trí sạt lở được xác định từ K3+900m đến K4+100m dài 200m, cách chân đê Hữu Đà khoảng từ 40-50m.

Tại hiện trường, hành lang bờ sông bị sạt lở tạo thành một vách dựng đứng cao hơn chục mét, cây cối ngả nghiêng, rễ không còn đất để bám do đã bị trôi hết xuống sông. Khúc sông đỏ ngầu sủi bọt, hút gió mạnh, kéo theo từng tảng đất lả tả rơi.

[Ba Vì: Bảo vệ tốt 'vùng xanh,' đẩy mạnh sản xuất, cung ứng hàng hóa] 

Từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Tuấn (thôn Khê Thượng) được giao khoảnh đất ven đê kể trên để canh tác nông nghiệp. Gia đình ông đã trồng bạch đàn, xoan, keo để giữ đất. Thế nhưng chỉ trong vài ngày mưa vừa qua, tất cả công sức của gia đình ông đã cuốn đi theo dòng nước sông Đà.

Chỉ tay về phía mặt nước nơi cách vị trí đứng của mình khoảng 20-30m, có cành cây còn nhô lên, ông Nguyễn Văn Tuấn buồn rầu, trước đây cây được trồng tới tận đó, giờ chỉ còn mặt nước đỏ ngầu. Không hiểu nguyên nhân gì mà đất lại sạt nhanh và diện tích lớn như vậy. Dù nhiều năm canh tác ở đây nhưng chưa bao giờ tôi thấy sạt lở đất nhiều đến thế.

Ông Nguyễn Danh Giáp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sơn Đà cho biết điều đáng lo ngại là vị trí sạt lở đất hiện nay, vào năm 1971 đã từng xảy ra vỡ đê. “Mong mỏi của địa phương là các ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục. Trường hợp sạt lở tiếp thì sẽ nguy hại đến thân đê, ảnh hưởng rất lớn đến tài sản của Nhà nước và người dân,” ông Nguyễn Danh Giáp nói.

Tại tuyến đê Hữu Hồng thuộc thôn Trung Hà, xã Thái Hòa (Ba Vì) cũng vừa xuất hiện điểm sạt lở đất nghiêm trọng, do vị trí sạt lở cách chân đê khoảng hơn 20m.

Khu vực sạt lở có hình cánh cung ôm lấy một khúc sông Hồng, xuất hiện những vết nứt chạy dài, rộng khoảng 10-20cm cho thấy dấu hiệu sạt lở tiếp tục tiến sâu về phía nhà dân cách đó không xa.

Theo báo cáo của huyện Ba Vì, vị trí sạt lở thuộc K0+200 đến K0+300, gần khu vực hạ lưu Trạm bơm Trung Hà. Sạt lở có chiều dài 120m, rộng từ 7-10m, chiều sâu khoảng 12-13m. Sạt lở ảnh hưởng tới 8 hộ dân với 28 nhân khẩu đang sinh sống từ vài chục năm trước đây.

Hà Nội: Giải pháp trước mắt khắc phục sự cố sạt lở đê tại Ba Vì ảnh 2Vị trí sạt lở tại thôn Khê Thượng, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, có chiều dài khoảng 200m, cách chân đê từ 10-15m. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Toán ở trong phạm vi nguy hiểm nhất do chỉ cách khu vực sạt lở chừng hơn 15m. Ủy ban Nhân dân xã Thái Hòa đã khóa cửa, niêm phong không cho ai ra vào ngôi nhà. Phía trên bờ, lối dẫn xuống khu vực sạt lở, địa phương đã cho chăng dây, lắp biển cảnh báo, bố trí người trực 24/24 giờ ngăn không cho ai đến gần.

Ông Nguyễn Văn Toán cho biết từ năm 1970, gia đình ông đã đến khu đất này sinh sống. Hơn 50 năm gắn bó, chưa bao giờ ông thấy cảnh tượng sạt lở đất lớn. Vậy nhưng vào khoảng 19 giờ 40 phút ngày 25/9 vừa qua, trong cơn mưa lớn, cả mảnh đất vườn phía trước nhà ông bị cuốn trôi xuống dòng sông Hồng. Lo sợ đất có thể lở tiếp, ngay trong đêm, cả gia đình ông Toán có 6 nhân khẩu đã được chuyển đến nơi an toàn hơn trong thôn.

“Từ khi xảy ra vụ việc đến nay, các cấp chính quyền đã đến kiểm tra, quan tâm, chia sẻ và động viên các hộ gia đình. Đoàn liên ngành của thành phố đến khảo sát, tìm hiểu nhưng đã hơn 1 tháng rồi chưa tìm ra nguyên nhân, càng làm cho chúng tôi thêm lo lắng, liệu có được sinh sống trong ngôi nhà của mình nữa không,, ông Toán tâm tư.

Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì cho biết tình trạng sạt lở đất tại các bờ sông trên địa bàn huyện đang có diễn biến phức tạp. Bước đầu Ủy ban Nhân dân huyện xác định, các khu vực sạt lở đất có nhiều sỏi liên kết rời rạc, có độ chênh cao giữa mặt đất tự nhiên và lòng sông. Khi mưa lớn kéo dài, làm đất bão hòa với nước, phá vỡ liên kết dẫn tới sạt lở.

Về giải pháp trước mắt, ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì cho biết để hạn chế thiệt hại từ sạt lở đất, huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng, Ủy ban Nhân dân các xã có tuyến đê chạy qua, thực hiện biện pháp kiểm tra, rà soát thực địa. Từ đó chỉ ra những khu vực nào có nguy cơ, đưa ra cảnh báo, tuyên truyền để người dân chủ động di dời cây trồng, vật nuôi, thực hiện các biện pháp phòng tránh.

Đồng thời, ngành chức năng yêu cầu đơn vị quản lý đê cần theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; tiếp tục bố trí lực lượng, ngăn người và phương tiện đi vào khu vực xảy ra sự cố; chuẩn bị vật tư dự phòng để kịp thời xử lý sự cố phát sinh ngay từ giờ đầu...

Còn việc tìm ra nguyên nhân chính xác của sạt lở, cần có sự vào cuộc nhanh chóng, hiệu quả từ phía các cơ quan chuyên môn từ thành phố tới Trung ương, đưa ra các biện pháp đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục