Củ cải còn được gọi là “nhân sâm trắng” là sản phẩm nông sản đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, có lúc lên tới cả tỷ đồng/năm cho người dân xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội). Thế nhưng kể từ ra Tết Nguyên đán, củ cải trắng rớt giá thê thảm, người dân và thương lái ngậm ngùi vứt bỏ hàng chục tấn.
[“Cởi trói” hạn điền để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp quy mô lớn]
Còn dư thừa hơn 1.000 tấn
Theo phóng viên ghi nhận tại thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội), không thể chờ củ cải lên giá trở lại, nhiều gia đình phải chấp nhận nhổ bỏ củ cải trắng, vứt ra sông Hồng.
Ông Nguyễn Mạnh Xuyên, Bí thư Đảng ủy xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết, gần một tháng nay giá củ cải trắng giảm mạnh chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg vẫn ế ẩm. Hiện nay, sản lượng củ cải trắng thừa vẫn còn 1.000-1.200 tấn.
Lý giải cho việc dôi dư cả nghìn tấn củ cải trắng, ông Xuyên cho rằng củ cải trắng là sản phẩm nông sản mang lại kinh tế cao nên trong vài năm trở lại đây diện tích trồng liên tục được mở rộng, sản lượng ngày càng tăng. Trong khi đó, từ sau Tết Nguyên đán năm nay sức mua thấp, người dân không nhổ bán chờ tăng giá nhưng cả tháng giá không tăng mà còn giảm liên tục nên lượng củ cải dư thừa lớn.
Theo ông Xuyên, để tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo thành phố Hà Nội, huyện Mê Linh đã họp và kết nối địa phương với các doanh nghiệp để kịp thời tiêu thụ sản phẩm củ cải trắng cho bà con.
“Hiện nay, các siêu thị VinMart, Big C, FiviMart… đều đã thống nhất hỗ trợ thu mua củ cải cho người dân với giá 3.000-4.000 đồng/kg. Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội, Công ty Bánh kẹo Tràng An… cũng đề nghị hỗ trợ sấy khô miễn phí cho bà con. Chúng tôi hy vọng trong 3-5 ngày tới sẽ giải phóng được hơn 1.000 tấn củ cải dôi dư,” ông Xuyên nói.
Ông Vũ Văn Kỳ, Chủ tịch Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết thêm, hiện nay xã đã bắt đầu chuyển củ cải vào tiêu thụ tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Mỗi năm đều có 1-2 vụ rớt giá
Xã Tráng Việt có hơn 300 hecta trồng rau củ, hoa quả thì có tới 80 hecta trồng củ cải trắng giống Nhật Bản và Hàn Quốc. Củ cải trắng là loại nông sản rất hợp với vùng đất bãi bồi lở sông Hồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên từ 10 năm trở lại đây diện tích trồng liên tục được mở rộng.
“Mỗi năm người dân có lãi từ củ cải trắng lên tới hàng trăm triệu đồng, những hộ thương lái chuyên thu mua có lãi đến cả tỷ đồng. Thực tế, năm nào cũng có tình trạng rớt giá nhưng năm nay thời gian rớt giá kéo dài trong khi sản lượng lớn nên dư thừa cả nghìn tấn,” ông Xuyên cho biết.
[Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy nông nghiệp bền vững]
Thời gian này, củ cải trắng bán ra tại ruộng chỉ dừng lại ở mức từ 500-1.500 đồng/kg, trong khi dịp trước Tết, giá dao động ở mức từ 6.000-8.000 đồng/kg. Củ cải trắng đã được rửa sạch, đóng gói giá có lúc lên tới 12.000-15.000 đồng thì nay đã giảm xuống 10 lần. Nhiều thương lái hy vọng làm giàu từ củ cải vụ ra Tết cũng ngậm ngùi vì lỗ đến cả trăm triệu đồng.
Thương lái là người dân địa phương thường thu mua củ cải theo sào ngay từ sớm với giá 1-1,5 triệu đồng/sào, khi thu hoạch phải thuê người nhổ, rửa sạch, đóng gói là bán cho các chợ đầu mối. Thế nên, những thương lái thu mua diện tích lớn trong vụ này phải chấp nhận nhổ bỏ, chịu lỗ lớn.
Chị Trương Thị Thắng thương lái thu mua củ cải xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc vừa tranh thủ nhổ củ cải bán gỡ gạc được đồng nào hay đồng ấy vừa than thở: “Thuê người nhổ, rửa củ cải cũng phải 250.000-300.000 đồng/ngày trong khi giá củ cải chỉ 1.500 đồng/kg thì tiền bán củ cải không đủ tiền thuê người làm, tôi tự ra thu hoạch được bao nhiêu thì được, sào nào già thì lại nhổ bỏ.”
Củ cải trắng có thời gian trồng 40-60 ngày (tùy vào thời tiết nóng, lạnh) là cho thu hoạch. Mỗi năm người dân xã Tráng Việt trồng khoảng 4, 5 vụ củ cải trắng và bao giờ cũng có vụ bị rớt giá.
“Những năm gần đây, mỗi năm đều có 1, 2 vụ là củ cải trắng bị mất giá, chủ yếu là do các thời điểm nguồn cung lớn hơn nhu cầu tiêu thụ. Sản phẩm củ cải trắng ở Tráng Việt chủ yếu đưa vào bán tại các chợ, siêu thị Hà Nội, các tỉnh phía Bắc chứ không bán sang Trung Quốc,” ông Kỳ cho biết.
Câu chuyện “được mùa, mất giá” dường như đã trở thành quen thuộc với người nông dân, ông Xuyên khẳng định, bà con chấp nhận việc được, mất trong trồng củ cải. Lãi lời thì người dân tính từ các vụ được giá, vụ thất thu trong cả năm. Năm 2017, tính trung bình người dân vẫn có lãi từ củ cải trắng chứ không thua thiệt, mỗi lần rớt giá chủ yếu là thương lái lỗ vì họ đã đặt mua với người nông dân từ trước.
80 hecta trổng củ cải trắng với sản lượng hàng nghìn tấn nhưng chỉ có 5-7% trong số đó là đã được các hệ thống siêu thị đặt hàng qua hợp tác xã. Số còn lại đều phải trông chờ vào nhu cầu tiêu thụ, giá lên xuống của thị trường, vì thế mỗi vụ trồng củ cải người dân đều thấp thỏm như “ngồi trên đống lửa”. Vụ củ cải trắng sau Tết dôi dư, ế ẩm đang được gấp rút thu hoạch trong 3-5 ngày tới. Người dân xã Tráng Việt đang tiếp tục cải tạo đất, gieo giống củ cải cho một vụ mới và chờ đợi biết đâu 30-40 ngày nữa giá sẽ lại tăng cao./.