Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch - tức 22/6/2023) hay Tết giết sâu bọ luôn là một dịp lễ quan trọng trong năm của mỗi gia đình người Việt. Theo quan niệm xưa, tết Đoan Ngọ là thời khắc đánh dấu giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Chính vì vậy, các gia đình thường chuẩn bị một mâm lễ với những món ngon đầu hạ để dâng cúng tổ tiên, con cháu quây quần hưởng lộc, diệt trừ sâu bọ, cầu bình an trong một mùa vụ mới.
Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn Thủ đô sáng 21/6 (tức 4/5 Âm lịch), các mặt hàng phục vụ cho Tết Đoan Ngọ khá đa dạng và giá cả một số loại thực phẩm, trái cây tăng nhẹ so với ngày thường, không có đột biến.
Cụ thể, món ăn không thể thiếu trong dịp này là cơm rượu nếp. Hiện thị trường đang bán chủ yếu 2 loại: Cơm rượu nếp trắng, với giá từ 60.000-80.000 đồng/kg; cơm rượu nếp cẩm có giá khoảng 100.000 đồng/kg và được nhiều người lựa chọn hơn vì rượu nếp cẩm có vị đậm đà và thơm hơn rượu nếp trắng. Ngoài ra, loại thực phẩm khác là bánh gio (bánh tro) có giá dao động từ 60.000-100.000 đồng/chục, tùy loại to nhỏ. Giá các món ăn này tăng từ 5.000-7.000 đồng so với ngày thường.
Thịt vịt cũng là một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày giết sâu bọ bởi theo quan niệm thịt vịt giúp cơ thể mát mẻ, điều hòa âm dương, giảm nóng bức... Thịt vịt đã làm sạch trên thị trường được bán từ 75.000-80.000 đồng/kg, thịt vịt quay giá khoảng 270.000-320.000/con…
[Vì sao có nghi lễ ban phát quạt trong ngày 'Tết sâu bọ' khi xưa?]
Ngoài các món bánh, một số loại hoa quả cũng ghi nhận tăng giá trong dịp này, đặc biệt là quả mận. Nếu vào ngày thường, mận được bán với giá 35.000-55.000 đồng/kg thì trong những ngày gần Tết Đoan Ngọ tăng lên 65.000-70.000 đồng/kg. Tương tự, các loại trái cây như vải Thanh Hà, Bắc Giang dao động 25.000-30.000 đồng/kg; dưa hấu 22.000-25.000 đồng/kg; xoài Cát Chu giá 35.000 đồng/kg; dưa lưới 33.000-35.000 đồng/kg, bưởi da xanh loại 1 từ 55.000-60.000 đồng/kg…, mỗi loại tăng khoảng 5.000-10.000 đồng/kg…
Một số tiểu thương tại chợ cho biết nguyên nhân giá trái cây tăng dịp Tết Đoan Ngọ là do giá nhập tăng tuy nhiên không cao như các dịp lễ, tết khác. “Năm nay sức tiêu thụ trái cây của người dân khá cầm chừng, không cao nên dân buôn chúng tôi không dám đẩy giá cao vì sợ khó bán,” chị Nguyễn Thị Huyền, tiểu thương chợ Nguyễn Công Trứ cho hay.
Bên cạnh những món bánh, trái cây được bán tại các chợ truyền thống, dịp tết Đoan Ngọ năm nay còn xuất hiện một số mâm lễ cúng trọn gói để lựa chọn. Thay vì đi mua từng loại bánh, trái, rượu nếp… để chuẩn bị, người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn với những mâm lễ trọn gói, trong đó có đầy đủ các món ngon đặc trưng trong ngày giết sâu bọ.
Tại khu vực chợ Gia Ngư-Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), một số mâm lễ tiêu biểu đang được nhiều chị em nội trợ ưa chuộng trong dịp này là mâm lễ thảo mộc chuẩn bị gồm 5 món thức đồ ăn là rượu nếp cẩm, rượu nếp cái; bánh gio và mật mía; trái cây gồm mận Sơn La và vải Thanh Hà; đồ dân giã với lá vối tươi và búp sen… được bày trí cầu kỳ để cúng tổ tiên. Một mâm lễ thảo mộc như trên có giá 550.000-600.000 đồng; mâm lễ hoa không đồ ăn, chỉ có hoa giá rẻ hơn, từ 250.000-300.000 đồng.
Một số hình ảnh ghi nhận tại các chợ: