Hà Nội: Giá cả hàng hoá ổn định, người dân cơ bản chấp hành phòng dịch

Tại các chợ đầu mối và trung tâm, giá các mặt hàng gia cầm gia súc, rau củ vẫn ổn định. Đa số người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên một số nơi chợ cóc vẫn còn hoạt động.
Hàng hóa, thực phẩm dồi dào tại các chợ, siêu thị. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Sau khi Thành phố Hà Nội ban hành Công điện số 15 về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sáng nay 19/7 ghi nhận tại các chợ truyền thống, siêu thị... lượng hàng hóa, thực phẩm vẫn rất dồi dào và giá cả ổn định, không có tình trạng khan hàng cũng hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ.

Thực phẩm dồi dào, giá ổn định

Theo ghi nhận, tại các đầu chợ lớn ở các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai như chợ Vĩnh Tuy, chợ Hôm, chợ đầu mối phía Nam… ngày 19/7, thực phẩm dồi dào, ổn định, không có tình trạng người dân đổ xô đi mua dẫn đến việc cháy hàng.

Ghi nhận tại khu vực chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), giá thịt lợn dao động từ 120 nghìn đến 180 nghìn đồng/kg, không tăng giá so với ngày hôm qua. Cụ thể, giá thịt ba chỉ có giá 140 nghìn đồng/kg, thịt thăn giá 140 nghìn đồng/kg, nạc vai giòn giá 150 nghìn đồng/kg, sườn nạc vai 140 nghìn đồng/kg, chân giò 130 nghìn đồng/kg, sườn nạc thăn giá 170 nghìn đồng/kg...

Theo chị Nguyễn Thị Lành, tiểu thương tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), giá thịt lợn hôm nay hầu như không biến động so với thời điểm trước. Dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến học sinh, sinh viên nghỉ học, các nhà hàng, khách sạn cũng vắng khách… kéo theo giá thịt lợn có xu hướng chững lại và giảm nhẹ.

Không chỉ thịt, giá cả các loại thủy sản, gia cầm hay trứng cũng giữ ở mức ổn định với ngày thường. Cụ thể, giá bán cá dao động từ 60 nghìn-140 nghìn đồng/kg, thịt gà từ 80 nghìn-140 nghìn đồng/kg, trứng gà dao động từ 2.000-3.000 đồng/quả.

Bên cạnh đó, mặt hàng nông sản giá cũng không có biến động. Tại chợ Vĩnh Tuy, bí xanh có giá 25 nghìn đồng/kg, su su 15 nghìn đồng/kg, rau bắp cải từ 8.000-10.000 đồng/kg, cà chua 8.000-10.000 đồng/kg, su hào 10.000 đồng/4 củ; hành, mùi 25 nghìn đồng/kg.

“Giá cả thực phẩm tại chợ đều được niêm yết bởi ban quản lý chợ nên không có tình trạng thổi giá, găm hàng; số lượng luôn dồi dào, đầy đủ. Chúng tôi chỉ mong người dân đến mua thật nhiều để hết hàng còn về nghỉ sớm,” chị Yến, một tiểu thương cho hay.

Trong khi giá lương thực, thực phẩm tại các chợ truyền thống giữ ổn định như nhiều ngày qua thì tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm… hàng hóa cũng luôn luôn được cung ứng dồi dào, với giá ổn định đúng như cam kết của các doanh nghiệp.

Ghi nhận tại siêu thị Vinmart Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) trong sáng nay, lượng khách hàng khá nhộn nhịp. Tương tự tại siêu thị Big C Lê Trọng Tấn, cửa hàng Hapro Food trên phố Khâm Thiên… dù hàng hóa được tiêu tụ với số lượng lớn nhưng đã được bổ sung lại ngay lập tức trên các khay, kệ hàng.

Chị Thu Hà (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Nắm thông tin Hà Nội sẽ thắt chặt việc giãn cách nhưng tôi cũng không hoang mang mà đổ xô đi tích trữ thức ăn. Hôm nay tôi chỉ đi chợ sáng như bình thường: Mua đủ thịt, cá, rau ăn trong ngày, hết rồi mai lại đi mua tiếp cho thức ăn luôn tươi mới.”

Đồng quan điểm, anh Việt Hoàng (quận Hoàng Mai) cũng cho hay: “Hà Nội đã trải qua 1 lần giãn cách, nhu yếu phẩm luôn đầy đủ, dồi dào nên chúng ta không nên hoang mang, lo sợ, tránh tình trạng đổ xô đi mua tích trữ, tụ tập đông đúc rất nguy hiểm. Ai ở đâu thì hãy ở nguyên đó.”

Doanh nghiệp chủ động trữ hàng

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết sáng 19/7 sở đã thành lập đoàn kiểm tra đi kiểm tra tại một số chợ dân sinh và siêu thị ghi nhận công tác phòng dịch COVID-19 cũng như việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa tại các chợ và siêu thị cho thấy các doanh nghiệp đã làm rất tốt dự trữ nguồn hàng, không để kệ không, giá cả bình ổn, sức mua có tăng nhẹ. Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), các quầy hàng tiêu dùng không thiết yếu được các tiểu thương đóng cửa và thực hiện nghiêm theo Công điện 15 của UBND thành phố Hà Nội. Còn tại các quầy hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống, nguồn cung dồi dào. Không có cảnh người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ.

Ông Mai Trí Thức, Giám đốc Siêu thị Vinmart Thăng Long cho biết trong chiều hôm qua, sau khi có Công điện 15 của UBND Tp. Hà Nội thì sức mua cũng tăng đột biết nhưng không nhiều. Người tiêu dùng đã quen với việc phòng chống dịch nên không còn tâm lý tích trữ nhiều. Tuy nhiên, phía siêu thị đã ngay lập tức gọi về buổi chiều hôm qua để bà con mua sắm đồng thời chuẩn bị kịp lượng hàng để sáng nay người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm thì đều đáp ứng.

“Phía siêu thị chuẩn bị nguồn hàng tăng từ 200-300% đồng thời làm việc với nhà cunng ứng để có thể chuẩn bị nguồn hàng nhanh nhất và sớm nhất đảm bảo cung cấp cho người dân trong mọi tình huống xảy ra,” ông Mai Trí Thức nói.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng Giám đốc Công ty BRG Retail, cho biết doanh nghiệp đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa tại từng điểm bán lên khoảng 300% và tăng gấp 10 lần tại kho hàng trung tâm; trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm 13 mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá bao gồm: Gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, bún mỳ phở ăn liền, dầu ăn, gia vị, rau củ quả… Hệ thống bán lẻ cam kết đảm bảo đủ lượng hàng.

“Nhằm góp phần bình ổn giá cả trên thị trường khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Công ty TNHH bán lẻ BRG (BRG Retail) đã xây dựng phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu với mức giá không đổi tại hệ thống 77 siêu thị, Minimart thuộc BRGMart tại các tỉnh phía Bắc và nhiều tỉnh phía Nam (Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu)”, ông Nguyễn Thái Dũng cho biết.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết thực hiện Công điện 15 của UBND Tp. Hà Nội, ngành công thương đã tích cực và triển khai ngay việc chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của người dân. Qua kiểm tra tại chợ dân sinh và siêu thị, sức mua của người dân tại chợ truyền thống tăng từ 10 - 15%, còn tại các siêu thị sức mua có tăng 20-30% trong ngày hôm qua và trong sáng nay thì sức mua diễn ra bình thường.

Theo bà Lan, quan trọng nhất đó là Hà Nội đã chuẩn bị nguồn cung từ các doanh nghiệp phân phối trong nhiều tháng qua do đó khi có biến động thì Hà Nội vẫn đáp ứng đủ. Hàng hóa hiện đang rất dồi dào, các hệ thống phân phối đều tăng nguồn hàng, tăng cường nguồn nhân lực để phục vụ người tiêu dùng. Người dân cũng rất bình tĩnh, không có tình trạng đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ

Tuy nhiên, thành phố Hà Nội vẫn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cùng với Sở Công Thương và các lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên túc trực kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch cũng như chương trình bình ổn giá đăng ký với thành phố Hà Nội đáp ứng nhu cầu người dân. Không găm hàng, tăng giá, trục lợi do dịch bệnh xảy ra.

Thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch

Nắm được tinh thần phòng chống dịch bệnh, các địa điểm chợ, siêu thị hầu như đã thực hiện nghiêm theo các quy định của Chính phủ. Ngoài việc đo thân nhiệt cho khách hàng đến mua sắm, tại siêu thị Big C Thăng Long, các nhân viên tại đây 100% chấp hành đeo khẩu trang phân luồng lối đi cho khách hàng, kẻ vạch giãn cách ở các khu vực khách xếp hàng như quầy thu ngân, bàn cân… Tương tự, tại các hệ thống siêu thị Vinmart, Co-opmart, nhân viên siêu thị cũng thường xuyên đọc loa nhắc nhở, khuyến cáo người dân thực hiện đúng việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi mua sắm.

Ngoài ra, các đầu chợ lớn như chợ Hôm, chợ Vĩnh Tuy, chợ cá Yên Sở,… thì ngay từ ngoài cổng, ban quản lý chợ cũng đã đặt biển nhắc nhở người dân đeo khẩu trang đồng thời bố trí nhân viên trực đo thân thiệt cho người dân vào trong mua bán, các hàng quán không thiết yếu đều được yêu cầu phải đóng cửa theo đúng chỉ thị của Thành phố Hà Nội.

Ban quản lý chợ Hôm liên tục đi nhắc nhở người dân, chủ hộ kinh doanh thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng chống dịch. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Ông Bùi Quang Tuấn, Tổ trưởng đội phòng chống dịch COVID-19 thuộc Ban quản lý chợ Hôm-Đức Viên cho biết để đảm bảo thực hiện chỉ thị 16 cũng như công điện khẩn số 15/CĐ-UBND về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn toàn Thủ đô, ngay từ sáng nay, ban quản lý chợ đã đôn đúc, nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu đóng cửa quán, ngừng hoạt động. "Chúng tôi cũng yêu cầu các chủ hộ kinh doanh tại đây đều phải tuân thủ theo các biện pháp 5K của Bộ Y tế: Đeo khẩu trang, giãn cách, khai báo rửa tay sát khuẩn,… thì mới được vào kinh doanh,” ông Tuấn nói.

[Hà Nội vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm sinh kế cho dân]

Bên cạnh việc đa số nơi thực hiện tốt quy định thì tại một số nơi người dân vẫn chưa tuân thủ nghiêm. Cụ thể, theo ghi nhận sáng nay một số các chợ cóc vẫn ngang nhiên hoạt động như chợ Lương Yên, chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Ngọc Hà,… bất chấp lệnh tạm dừng. Khi được lực lượng chức năng đi nhắc nhở thì các tiểu thương vẫn ngồi vào trong nhà, đóng hé cửa đợi lực lượng chức năng đi khuất rồi tiếp tục buôn bán. Đồng thời, một số người mua hàng hay các tiểu thương thường xuyên “quên” đeo khẩu trang, hoặc có đeo nhưng không che mũi, miệng. Vẫn còn nhiều người chưa thực hiện quy định giãn cách, vẫn đứng sát nhau khi đi chợ…

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh, chợ là một trong những nơi có nguy cơ rất cao. Do đó, chính quyền các cấp, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn cần thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các trường hợp tiểu thương, khách mua vi phạm và ngay cả với những tập thể, cá nhân thuộc các đơn vị quản lý không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục