Hà Nội ghi nhận số ca mắc uốn ván tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2022

Hà Nội ghi nhận bệnh nhân mắc uốn ván vì chủ quan với vết xước nhỏ

Từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 18 trường hợp mắc uốn ván, trong đó có 2 ca tử vong, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2022.
Hà Nội ghi nhận bệnh nhân mắc uốn ván vì chủ quan với vết xước nhỏ ảnh 1Giải pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh uốn ván đó chính là tiêm vaccine uốn ván. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 21/8, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm 3 bệnh nhân mắc uốn ván chỉ vì chủ quan với những vết xước nhỏ.

Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 18 trường hợp mắc uốn ván, trong đó có 2 ca tử vong, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2022.

Điển hình như trường hợp nam bệnh nhân 65 tuổi, ở huyện Ba Vì. Trước khi nhập viện 10 ngày, bệnh nhân va phải cạnh bê tông cứng dưới ruộng bùn và bị thương ở gan bàn chân phải, sưng nề. Bệnh nhân tự rửa vết thương và uống kháng sinh nhưng không tiêm phòng uốn ván.

Sau đó, bệnh nhân thấy đau nhức nhiều tại vết thương, cứng nhẹ cơ hàm, nói khó, ăn uống kém. Bệnh nhân đã đi khám tại Bệnh viện Quân y 105, được chẩn đoán uốn ván và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.

[Bình Phước: Sản phụ tự cắt rốn bằng kéo, hai trẻ sơ sinh bị uốn ván]

Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 50 tuổi cũng ở huyện Ba Vì. Trước khi vào viện 14 ngày, bệnh nhân va vào đinh sắt ở chuồng thỏ và bị xước da, chảy máu vùng mu bàn tay phải nhưng không tiêm phòng uốn ván. Sau khi xuất hiện cứng hàm, mỏi miệng, nuốt sặc, bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán mắc uốn ván.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), vi khuẩn uốn ván có mặt ở mọi nơi và gây bệnh tản phát ở các nước trên thế giới. Ở những vùng nông nghiệp và những nơi phải tiếp xúc với chất thải của súc vật và không được tiêm phòng đầy đủ, bệnh uốn ván thường gặp nhiều hơn. Ở hầu hết các nước công nghiệp, bệnh hiếm gặp mang tính tản phát.

Tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh uốn ván. Nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh: Nông dân, nhân viên chăn nuôi gia súc, nghiện chích ma túy…

Theo các chuyên gia y tế, uốn ván là bệnh nguy hiểm. Người dân có thể mắc bệnh chỉ qua một vết xước hay vết thương nhỏ trên da trong quá trình sinh hoạt, lao động. Nhiều người chủ quan với những vết thương nhỏ, không sơ cứu, không tiêm phòng, tạo điều kiện cho trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm trùng, đe dọa tính mạng.

Giải pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh uốn ván đó chính là tiêm vaccine uốn ván. Người lớn chỉ cần tiêm 3 mũi, sau đó tiêm nhắc lại trong 5-10 năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục